|
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP Hà Nội kiểm tra 1 siêu thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. |
Ngày 16/5, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, hơn 700 đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 (từ 15/4 đến 15/5) đã kết thúc hoạt động thanh, kiểm tra.
Phát hiện thịt gà, thịt lợn nhiễm khuẩn salmonella
Ngày 15/5 cũng là ngày cuối cùng trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 1 TP Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã kiểm tra và làm việc với quận Thanh Xuân.
Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 1.985 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử phạt 88 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 186 triệu đồng. Riêng đợt cao điểm Tháng hành động, quận đã kiểm tra 645 cơ sở, xử phạt 45 trường hợp.
Trước đó, cũng đoàn liên ngành số 1 đã tiến hành kiểm tra và làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo ATVSTP của nhiều quận, huyện khác. Chẳng hạn, tại quận Hai Bà Trưng, theo báo cáo của UBND quận, từ đầu năm đến ngày 8-5 đã tiến hành kiểm tra được 955 lượt cơ sở, xử phạt 148 cơ sở, tiêu huỷ 17 tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn và dừng hoạt động 39 cơ sở.
Hay tại Quận Tây Hồ, qua kiểm tra và nghe báo cáo từ UBND quận cho thấy, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, quận đã kiểm tra 50 cơ sở, qua kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính 9 cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động của 1 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống vì không có giấy tờ pháp lý theo quy định…
Tính chung trên toàn thành phố, trong Tháng hành động vì ATTP từ 15/4 đến 15/5 năm nay, đã có tổng cộng 700 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (từ cấp thành phố đến xã phường) được thành lập.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các đoàn của thành phố đã tiến hành kiểm tra 12.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong 1 tháng qua. Trong đó, phát hiện 2.108 cơ sở, vụ việc vi phạm và xử phạt hành chính 670 cơ sở với số tiền hơn 2 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ, đóng cửa 40 cơ sở.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm...
Đặc biệt, các đoàn kiểm tra đã lấy rất nhiều mẫu thực phẩm để gửi kiểm nghiệm. Chỉ tính riêng đoàn liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì đã tiến hành lấy 171 mẫu nông, lâm thủy sản trong quá trình kiểm tra để làm kiểm nghiệm.
Đến nay, đã có kết quả 83 mẫu, trong đó phát hiện 4 mẫu vi phạm gồm 2 mẫu thịt gà, 1 mẫu thịt lợn bị nhiễm vi khuẩn salmonella, 1 mẫu thủy sản có dư lượng chloramphenicol…
|
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá về công tác đảm bảo ATTP sau khi trực tiếp kiểm tra tại 1 siêu thị ở quận Thanh Xuân. |
“Điểm nóng” về ATTP
Qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATVSTP trong Tháng hành động vừa qua, với việc hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh bị phát hiện có vi phạm, hàng chục cơ sở bị đình chỉ, phải đóng cửa cũng cho thấy, đảm bảo ATTP vẫn là nỗi lo lớn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, dù thành phố đã kiên trì trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP suốt nhiều năm qua song do địa bàn có số lượng cơ sở rất lớn, phần đa quy mô nhỏ lẻ trong khi nhân lực chuyên trách quản lý ATTP còn hạn chế nên Hà Nội luôn là địa bàn “nóng” với nhiều nguy cơ mất ATTP tiềm ẩn.
Theo ông Chung, so với trước đây, nhận thức về vấn đề ATTP của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm trên địa bàn thành phố đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm tra, ở nhiều cơ sở từ nhận thức đến hành động vẫn còn khoảng cách xa.
Bên cạnh những cơ sở sản xuất chui, kinh doanh không có đầy đủ giấy phép theo quy định thì đáng chú ý, không ít cơ sở giấy tờ pháp lý đầy đủ nhưng thực tế sản xuất kinh doanh lại có vi phạm khá nghiêm trọng. Nói cách khác là vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở vẫn bất chấp quy định pháp luật, vẫn cố tình vi phạm.
Ông Chung cho biết thêm, ở Tháng hành động vì ATTP năm 2018, công tác thanh, kiểm tra ATTP của thành phố Hà Nội được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ TP tới quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn vẫn chủ yếu là nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe, các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
Theo Duy Tiến/An ninh thủ đô