Cách làm gỏi cá “trắm cỏ” đậm chất núi rừng tây bắc
Cá trắm cỏ là loài cá thuộc họ Cá chép, có xương mềm, thịt ngọt, nhất là bộ trứng bùi ngậy. Cá trắm cỏ thể chế biến làm rất nhiều món ngon, tùy thuộc vào khẩu vị và cách làm của mỗi người. Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là món cá gỏi được chế biến theo kiểu truyền thống của người dân tộc Mường ở vùng núi rừng Tây Bắc. Cá trắm cỏ được người dân ven lòng hồ sông Đà đánh bắt vào buổi sáng sớm, nên cá rất tươi ngon. Thịt cá trắm sông Đà hoang dã khác hẳn với các loại cá khác được nuôi bằng cám trong các trang trại chăn nuôi hiện đại.
|
Cá trắm cỏ sông Đà tươi ngon được người dân đánh bắt vào buổi sáng sớm và làm sạch vẩy trước khi chế biến. |
Chính những yếu tố này đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt làm đốn tim lòng người thưởng thức. Anh Mùi Văn Khoa, bản Luồn (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, Sơn La) sinh sống trên vùng lòng hồ sông Đà cho hay: “Gỏi cá trắm này được nhiều người ưa chuộng. Hằng ngày có rất nhiều tiểu thương và người dân ở các bản vùng cao xuống đây mua cá trắm về làm gỏi để tiếp đãi khách quý hoặc bán cho các nhà hàng ở thị trấn. Thịt cá trắm này thơm ngon hơn so với các loại cá khác sinh sống trên sông này mà tôi đã từng đánh bắt được”.
Để chế biến món gỏi cá trắm, cần chọn những cón cá trắm cỏ to khỏe và làm sạch hết vẩy cá, sau đó bóc lấy phần thịt và thái thật mỏng, rồi cho muối, mì chính vào bóp cho ngấm đều trước khi ngâm cá vào bát nước măng chua được người dân tộc Mường làm từ cây măng bươngkhoảng 2 phút đã cô sẵn chuẩn bị từ trước. Vị chua của nước măng bương này rất đậm đặc có thể khử hết mùi tanh của cá. Sau đó băm nhỏ các gia vị như: tỏi, rau mùi, hoa chuối, mác khén, ớt, lá sung rừng rồi rắc đều lên cá. Bước cuối cùng là đảo đều cá cho ngấm các gia vị, chờ khoảng bốn đến năm phút là có thể ăn được.
Thưởng thức hương vị đặc trưng “hấp dẫn” của gỏi cá trắm
Nét đặc trưng riêng biệt của gỏi cá trắm sông đà ở đây chính là hương vị dân dã của nó. Vị ngọt mềm, độ giòn sần sật tự nhiên của thịt cá trắm hòa quyện cùng với vị chan chát của lá rừng, vị cay của ớt và vị thơm nồng của mắc khén đã tạo nên một hương vị hấp dẫn khó quên.
Một điều đặc biệt nữa chính là mùi vị đặc trưng của nước măng chua làm từ măng bương thuần chất, khác hẳn so với mùi vị của nước chanh và nước dưa đã ngấm sâu vào từng lát thịt tạo thành một mùi thơm nồng nàn của cá.
Phần lớn các gia vịchế biến gỏi cá đều được người dân lấy từ trên rừng và tự trồng.Rau ăn kèm với gỏi cá cũng rất đa dạng như các loại: cóc rừng, tía tô, lành ngạnh, lá trâm, lá sung…, ngoài mang hương vị riêng cho món gỏi cá sống ra, các loại rau này còn giúp tiêu hóa tốt, chứa nhiều chất sơ. Các loài rau này chỉ mọc trên rừng, nên rất bảo đảm sức khỏe về ăn toàn thực phẩm cho người thưởng thức.
|
Món gỏi cá được chế biến xong trông rất đơn giản, nhưng thấm đượm nét đặc trưng của người Mường ven lòng hồ Sông đà. |
Dùng món gỏi cá trắm sông đà làm đồ nhậu khi trò chuyện với gia đình, bạn bè trong thời tiết ngày hè nóng nực này thì ngon hết ý.Nếu có dịp đặt chân lên vùng tây bắc thì du khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách vô cùng của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, nhất là trên vùng lòng hồ sông đà vàđừng quên thử món gỏi cá trắm làm nức lòng người này. Sẽ giúp cho du khách xua tan đi những mệt nhọc sau những chặng đường dài vất vả.
Theo Hà Hoàng/Dân Việt