LTS: Thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội cuối tháng 5 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội đề cập đến mức sinh thấp và già hóa dân số, Việt Nam đang đối diện với cảnh chưa giàu đã già do xu hướng người trẻ ngại sinh, sinh ít hoặc không sinh con.
Đặc biệt, Bộ Y tế cho biết, cả nước có 21 tỉnh có mức sinh thấp (tỷ suất sinh dưới 2,0 (dưới 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), đáng chú ý nhất là các TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long.
Tại sao lại có nghịch lý "nghèo thích đẻ, sung túc lười đẻ"? Hậu quả của việc "lười đẻ" là gì? Giải pháp nào để "kích đẻ" là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt để không phải nặng gánh trong tương lai do việc "lười đẻ" hiện nay.
Loạt bài "Ngại yêu, lười đẻ: Gánh nặng tương lai" do Dân Việt triển khai sẽ giúp bạn đọc giải đáp những câu hỏi này.
Kỳ I: Giới trẻ ngại yêu, sợ kết hôn, lười đẻ
Giới trẻ hiện nay càng ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, thậm chí 30 cũng chẳng buồn yêu, khi kết hôn lại càng lười đẻ, sợ đẻ hoặc chỉ dám "rón rén" sinh 1 con.
Ngại yêu vì ngần ngại ràng buộc
Ai gặp Đào Trang (34 tuổi, hiện đang làm cho một doanh nghiệp ở Hà Nội) cũng bị cuốn hút bởi vẻ ngoài tươi trẻ, xinh đẹp, năng động của cô. Cô gần như có tất cả mọi thứ mà một người trẻ mong muốn: công việc ổn định, thu nhập khá, bề ngoài xinh đẹp, cuộc sống vui vẻ.
Mọi người sẽ khó tin rằng, ở tuổi 34 cô chẳng có người yêu chứ chưa nói gì đến việc kết hôn hay có con.
Chia sẻ với PV Dân Việt, Trang cho biết, cô từng yêu một người từ khi học cấp 3 cho tới hết đại học và sau đó cô đi học tiếp cao học kéo dài 9 năm. Khi yêu, Trang cũng luôn có suy nghĩ mối tình đầu cũng là mối tình cuối nên không có ý định yêu chơi như nhiều bạn trẻ khác.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.
"Tuy nhiên, có những biến cố nhất định trong chuyện tình yêu, người đó có người khác sau lưng tôi. Không thể chấp nhận việc này nên chúng tôi đã quyết định chia tay. Tôi đã mất rất nhiều năm sau này để tự chữa lành những tổn thương, nhưng cái quan trọng nhất là cũng không mấy tin tưởng vào người con trai khác nữa.
Vì đối với tôi, người đã đi cùng mình cả chặng đường dài, từ khi khó khăn đến khi trưởng thành và có công việc ổn định, từ khi cả hai bắt đầu hình thành cách sống đến khi biết phải sống tốt như thế nào còn có thể lừa dối mình thì những người khác mình đâu đủ hiểu để tin tưởng được", Trang bi quan nói.
Rồi thời gian cứ thế qua, trước khi bước vào một mối quan hệ nào đó, Trang lại "cân lên đặt xuống" xem có phù hợp với mình không. Và rồi cô cũng trở nên ngại ngần bước vào một mối quan hệ ràng buộc.
"Và trong khoảng thời gian bắt buộc phải trưởng thành và chữa lành đó, công việc của tôi dần ổn định. Tôi cũng học được cách tự làm mọi việc mà không cần có một người đàn ông bên cạnh. Tự tạo cho mình niềm vui ở công việc, bạn bè, du lịch, hay những sở thích khác thay vì bắt buộc phải có một người đàn ông bên cạnh.
Lâu dần, tôi càng cảm thấy có hay không có một người đàn ông bên cạnh là không cần thiết khi mình mình có thể làm tất cả một cách thoải mái và vui vẻ", Trang tỏ ra rất lạc quan với việc "độc thân vô thời hạn" của mình.
Một mình không có nghĩa là không hạnh phúc
Liên đoàn Lao động TP HCM và Công đoàn Đại học Quốc gia TP HCM vừa công bố khảo sát đời sống nữ công nhân (CN) ngành dệt may.
Khảo sát cho thấy nữ CN có gia đình chiếm 61,4%, nữ CN đang sống độc thân 28,8% và 8,1% nữ CN đã ly hôn, ly thân. Ngoài đi làm, đa số nữ CN dành thời gian làm việc nhà (67,7%), 2 hoạt động khác có tỉ lệ nữ CN chọn khá cao là xem tivi (46,3%) và ngủ (41,7%).
"Không có thời gian để yêu đương" là câu trả lời được nhiều nữ CN chọn.
Trang cho rằng, nếu có thêm một người mà không làm cho cuộc sống của mình vui hơn, tốt đẹp hơn, thì chẳng cần có làm gì.
"Tôi cũng có thể lựa chọn làm mẹ đợn thân khi mình muốn. Và sẽ không khiến cho con tôi cảm thấy tủi thân bằng cách cho con một điều kiện kinh tế tốt và tìm cho con thêm những người cha và mẹ nuôi khác nữa, cho con có đủ tình cảm của cả cha và mẹ.
Còn với người trẻ càng ngày càng lựa chọn độc thân, tôi nghĩ rằng cơ bản một người lựa chọn điều đó thì đều từng có một mối tình sâu đậm trong quá khứ mà không thành. Họ ít nhiều sẽ có những tổn thương nhất định chuyện tình cảm. Dần dần họ cảm thấy có nhiều niềm vui khác trong cuộc sống hơn", Trang tâm sự.
Trang cũng cho biết thêm, không ít bộ phận giới trẻ bây giờ đa phần đều độc lập và tự chủ hơn trước đây. Độc lập cả về kinh tế và cách sống. Họ có quyền lựa chọn và yêu cầu cao hơn ở người bạn đời, cũng như dễ dàng buông một mối quan hệ không xứng đáng.
"Nhiều người trẻ có điều kiện về kinh tế tốt, họ sẽ tự tìm cho mình những giải pháp phù hợp cho cuộc sống của họ.
Nói chung tôi thấy giới trẻ hiện tại là một thế hệ bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói và dám làm. Kể cả khả năng chịu trách nhiệm cho hành động của mình cũng đều rất tốt. Nên chẳng có lý do gì, không lựa chọn độc thân nếu bước vào một mối quan hệ mình chưa thực sự cảm thấy vui vẻ cả", Trang nói thêm.
Không thoải mái như Trang, anh Nguyễn Văn Lãng (28 tuổi, quê ở Nghệ An) cũng cho biết, anh muốn cưới mà chẳng biết cưới ai.
Anh cho biết, hiện anh đang đi làm xe ôm công nghệ ở Hà Nội. Cho dù anh chăm chỉ làm việc thì thu nhập cũng bấp bênh, mỗi tháng khoảng 8-10 triệu.
"Ở quê thu nhập 8-10 triệu thì to lắm. Nhưng ở Hà Nội thuê nhà, điện nước hết 2 triệu, ăn uống và các chi phí khác tiết kiệm lắm cũng hết 3 triệu. Tôi gửi về quê cho bố mẹ nuôi các em 3 triệu, có tháng hết nhẵn, có tháng dư 2 triệu. Dư 2 triệu thì nuôi được ai nên tôi chẳng dám lấy vợ.
Ngày trước có yêu 1 cô nhưng cô thấy tôi cứ "nghèo mạn tính" nên cô ấy đi lấy chồng. Về quê thì không tốn kém nhưng lại không có việc. Nên tôi đã cầm cự ở Hà Nội 6 năm rồi. Thân mình còn nuôi chả nổi, nói gì vợ con. Bố mẹ cũng sốt ruột nhưng tôi vẫn tự thấy rằng nếu không dư dả thì đừng cố cưới ai làm gì để rồi lại cãi cọ vì tiền".
Nói về nguyên nhân ngại yêu, dựng vợ gả chồng muộn, lười đẻ của giới trẻ hiện nay, GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định: "Có thể thấy, người đang trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay trong khoảng dưới 35 tuổi. Đây là lứa tuổi lớn lên trong thời kỳ mở cửa hội nhập, có nhiều thay đổi về lối sống, suy nghĩ.
Thanh niên thích dùng thời gian để học tập, lao động, thăng tiến và hưởng thụ hơn là dành cho việc kết hôn, sinh con, nuôi dạy con.
Thanh niên có "nỗi sợ" về việc phải dành thời gian chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc nuôi dạy con theo mức sống sung túc như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người chậm kết hôn, lười đẻ".
Thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội cuối tháng 5 vừa qua, đại biểu Trần Kim Yến, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBMT Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, xu hướng sinh ít, ngại sinh thậm chí không sinh khiến cho xuất hiện thực tế đáng lo ngại.
Theo bà Yến, có bộ phận, tầng lớp giới trẻ không muốn lập gia đình, nếu có lập gia đình lại không muốn sinh con, đáng lo hơn là xuất hiện nhiều người trẻ thay vì sinh con lại có sở thích nuôi thú cưng làm niềm vui trong cuộc sống...
Bà Yến cũng cho rằng, mức thu nhập bình quân người lao động, công nhân là khoảng 8-10 triệu đồng/tháng là nguyên khiến người dân ngại sinh do nhiều bậc phụ huynh không đủ tiền để nuôi trẻ.
(Còn nữa)
Theo Diệu Linh- Gia Khiêm/Dân việt