Giấy khám sức khỏe dởm: hoang mang nhà tuyển dụng

Google News

(Kiến Thức) - Với việc bán tràn lan giấy khám sức khỏe ngoài thị trường hiện nay, các cơ quan, đơn vị tuyển dụng cho rằng: rất khó để kiểm tra và phát hiện thật giả. Còn người mua thì hồ hởi: cứ nhanh, rẻ là làm. 

Như báo điện tử Kiến Thức đã thông tin tới bạn đọc, hiện nay không chỉ có trên mạng online mà ngay tại các bệnh viện Trung ương việc làm giấy khám sức khỏe “ma” diễn ra khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc tuyển dụng của các cơ quan sự nghiệp cũng như các công ty, vì nếu nhìn vào tờ giấy chứng nhận sức khỏe thì không thể đánh giá đúng thực trạng sức khỏe của người muốn tuyển dụng.
Người lao động: Làm cho xong
Theo khảo sát của phóng viên Kiến Thức, hiện nay, hầu hết các đối tượng người dân đi làm giấy khám sức khỏe đều chưa ý thức được hết tầm quan trọng của tờ giấy này. Chị Phan Thu H. (Ba Đình, Đống Đa, Hà Nội) nói: “không có thời gian đi khám thì đặt mua cho nhanh vì người ta cũng có đọc đâu. Họ mở hồ sơ ra xem thấy có đầy đủ giấy tờ là được mà nên việc thật hay giả cũng chả quan trọng lắm”.
Theo chị H, nếu muốn biết tình trạng sức khỏe thật của mình thì hãy tự đi xét nghiệm để xem mắc bệnh hay làm sao không? Chứ người đang đi xin việc như chúng tôi chỉ muốn làm cho xong, cho đẹp hồ sơ thôi.
Cùng quan điểm trên, Nguyễn Chí D. (Hàng Buồm , Hà nội) nói: “Giờ mình có nhu cầu làm cho nhanh gọn để đạt được mong muốn, tội gì không làm. Mà có ai muốn có bệnh trong người đâu. Vừa lợi cho mình vừa được việc cho người ta”.
Anh Nguyễn Văn D. cho rằng: " mua giấy khám sức khỏe, vừa lợi cho mình vừa được việc cho người ta". Ảnh: NVCC
Gặp trực tiếp người lao động tại các khu công nghiệp, thì nhiều người khẳng định, các công ty giờ cần công nhân, chứ giấy khám sức khỏe họ không hề quan tâm. Bạn Đoàn Thúy Trang (SN: 1989), đang làm việc cho một công ty tại Khu công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì – Hà Nội) cho biết: “ Nhiều công ty hiện nay, họ chỉ cần nhìn người là biết tình trạng sức khỏe, và nhận vào làm, sau đó yêu cầu bổ xung dần dần vì sợ cơ quan chức năng kiểm tra, chứ họ có coi trọng giấy khám sức khỏe đâu”.
Có lẽ nắm bắt được tâm lý cần nhanh, cần gấp và sự không mấy quan tâm của các doanh nghiệp, nên ngày càng nhiều đối tượng lợi dụng làm giả giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động. Thậm chí, các bệnh viện cũng vậy, nếu ai muốn khám để biết sức khỏe thật thì yêu cầu làm đầy đủ, còn nếu không họ sẵn sàng ký, đóng dấu không cần xét nghiệm để “vừa lòng” người mua.
Cơ quan, doanh nghiệp biết nhưng kệ?
Theo kết quả điều tra nhanh của báo điện tử Kiến Thức tại một số Khu công nghiệp và các cơ quan sự nghiệp trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận, thì có rất nhiều ý kiến trái chiều về tờ giấy khám sức khỏe.
Anh Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, cho biết: “ Công ty anh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của người lao động. Trước khi tuyển dụng nhân sự thì công ty anh đều xem xét tình trạng sức khỏe của nhân viên. Xem có họ có đảm bảo sức khỏe bình thường hay không. Tuy nhiên thì việc nhận biết sự thật, giả của giấy chứng nhận sức khỏe trong hồ sơ là rất khó”.
 Công ty TNHH Flexcom Việt Nam
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Long (chủ tịch Công đoàn Phòng giáo dục huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cũng cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng sức khỏe của các cán bộ, giáo viên trong ngành. Tuy nhiên việc kiểm soát được độ chính xác của giấy khám sức khỏe là điều rất khó”.
Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp khi biết là tờ giấy khám sức khỏe đó có thể là giả hoặc là kết quả khống, nhưng họ cũng không mấy quan tâm. Bà Lê Khánh Chi, phụ trách nhân sự một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội nói: “ Khi mà nhận hồ sơ xin, chúng tôi chỉ quan tâm, giấy tờ có đầy đủ hay không? Bằng cấp có đáp ứng công việc hay không? Chứ giấy khám sức khỏe chỉ là để cho đủ thủ tục theo như Luật Lao động, chứ thật giả chúng tôi không kiểm chứng được mà cũng không quan tâm đến vấn đề đó lắm, miễn là làm được việc”.
Cùng quan điểm trên, bà Hoàng Thị Lan, phòng nhân sự công ty chuyên chế biến thực phẩm đóng hộp tại Hải Dương chia sẻ: “Có giấy khám sức khỏe trong hồ sơ là được. Chứ chúng tôi lấy đâu ra thời gian mà đến bệnh viện đó hỏi xem là thật hay giả … Trong quá trình làm việc nếu thấy sức khỏe yếu, chúng tôi đào thải vẫn chưa muộn”.
Tuy nhiên, theo bà Lan: “ Vấn đề thật giả chủ yếu là ý thức cần giấy khám sức khỏe và các y bác sĩ thôi. Nếu mà người dân coi trọng việc khám sức khỏe thì sẽ tới khám cẩn thận. Y bác sĩ có y đức thì sẽ không làm việc tắc trách. Như vậy kẻ gian cũng không có cơ hội làm giả giấy tờ. Còn giải pháp tốt nhất là mỗi một cơ sở nên tổ chức khám sức khỏe định kì cho người lao động để đảm bảo yêu cầu công việc”.
Theo quy định của Bộ Y tế, giám đốc các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe cũng như các hành vi vi phạm quy trình khám sức khỏe của cán bộ khám sức khỏe ở cơ sở của mình; những trường hợp cố tình vi phạm những quy định về khám sức khỏe, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.
Lê Phương - Ngô Ngọc