Gia đình “tứ đại đồng đường” 40 năm ăn chung một mâm cơm

Google News

Hơn 40 năm nay, gần 20 người thuộc gia đình tứ đại đồng đường của cụ Nguyễn Thị Tề vẫn duy trì nếp ăn chung một mâm cơm. 

gia đình tứ đại đồng đường này không có chuyện cãi vã, chỉ có sẻ chia.
Nhỏ ăn trước, lớn ăn sau
Đến phố Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chúng tôi dễ dàng tìm được ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị Tề. Dường như quanh khu vực này già trẻ đều biết đến gia đình cụ với nhiều thế hệ cùng chung sống.
Năm nay, cụ Tề 83 tuổi, vẫn đi lại thoăn thoắt, da dẻ hồng hào, nói chuyện sang sảng. Đặc biệt, cụ còn tích cực tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong khu phố, tham gia công tác Hội Người cao tuổi của phường.
Cách đây mấy năm, cụ nguyên là chủ tịch Hội Phụ nữ phường, do tuổi cao, sức khỏe có hạn nên bà xin nghỉ. Cụ bảo: “Cuộc sống gia đình êm ấm, anh em, con cháu trong gia đình hòa thuận, tôi vui vẻ, tinh thần thoải mái nên sức khỏe mới được như bây giờ đấy.”
Thành viên gia đình cụ Nguyễn Thị Tề. (Ảnh chụp từ màn hình). 
Trò chuyện chúng tôi mới biết, cụ Tề xuất thân là người làng Cót, sau khi giải phóng Thủ đô thì chuyển về Hàng Cân sinh sống cho tới bây giờ. Cụ sinh được 3 người con trai, 2 cô con gái. Cả 5 người con của cụ học hành đàng hoàng, đều đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Lâu nay, nhiều người thắc mắc hỏi tại sao gia đình cụ không tách riêng, mọi người thấy lạ chứ cụ thì thấy bình thường lắm. Cụ Tề giải thích: “Gia đình Việt Nam truyền thống là có nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà. Tôi hướng con cháu sống theo nếp đó. Mặc dù hơi chật nhưng nó tình cảm, khó khăn, sớm khuya anh em có nhau. Nhà vui vẻ lắm, chả bao giờ thiếu tiếng cười, tôi thấy hạnh phúc vì điều đó”.
Năm tháng trôi đi, năm 1975 khi người con trai trưởng là Nguyễn Viết Thành kết hôn rồi đến 2 con trai tiếp theo cùng yên bề gia thất, đại gia đình vẫn giữ nếp ăn chung một mâm, nấu chung một bếp, dùng chung một nhà tắm.
Tiền sinh hoạt của gia đình để ở trong tủ, ai đi chợ thì lấy tiền ở đó, ai ở nhà hoặc đi làm về sớm thì nấu cơm. Việc nhà thì mỗi người một tay. Cụ bảo, 3 nàng dâu của bà ngoan hiền, chẳng tị nạnh nhau bao giờ. Thậm chí, các nàng dâu của cụ tâm sự, yêu thương nhau như 3 chị em gái.
Mấy mươi năm trôi qua, chưa bao giờ có chuyện nghi ngờ nhau về việc tiền bạc xảy ra ở gia đình tứ đại đồng đường này. Cẩn thận, cụ vẫn bảo con cháu ghi việc chi tiêu trong cuốn sổ gia đình.
Không gian ăn uống của đại gia đình, chiếc bàn gỗ có tuổi thọ mấy chục năm vẫn được sử dụng. Ảnh: Ngọc Thi. 
Bà Nguyễn Thị Kim Quy, cô con dâu thứ hai của cụ chia sẻ: “Nhà đông người nên tôi phải dùng nồi cỡ đại mỗi khi nấu cơm. Chúng tôi không thấy bất tiện khi ăn cơm đông người mà ngược lại thấy vui, ăn cũng ngon miệng hơn”.
Hiện, số lượng cháu, chắt của đại gia đình rất đông, nhà thì chật nên không thể ăn chung một lần. Chính vì vậy, các cháu nhỏ được ưu tiên ăn trước, sau đó mới đến người lớn. Cái bàn tròn bằng gỗ dùng làm chỗ tiếp khách và chỗ ăn cơm, những xoong nồi đã gắn bó với bữa cơm chung mấy chục năm vẫn được giữ nguyên vẹn.
Căn bếp đặc biệt và công thức hạnh phúc của một gia đình “tứ đại đồng đường”Căn bếp đặc biệt và công thức hạnh phúc của một gia đình “tứ đại đồng đường”
GiadinhNet – Bao đời nay, gia đình "tứ đại đồng đường" của cụ Lê Thị Qùy trên phố Nguyễn Khuyến chung sống hòa thuận, con cháu thành đạt, được bà con hàng xóm ngưỡng mộ.
Khẩu vị đồng nhất
Cụ Tề kể, hồi cụ ông còn sống, tình cảm vợ chồng của hai cụ rất tốt. Hai người nói chuyện với nhau luôn nhẹ nhàng, tình cảm mặn nồng như hồi mới cưới. Đối xử với con cái cũng thế, chẳng quát mắng, đánh đòn con bao giờ. Có lẽ, cũng bởi vậy nên giờ các con, các cháu cũng noi gương ông bà, sống với nhau hòa thuận, ấm êm.
Mỗi lần khách đến nhà chơi, mặc dù được thành viên trong nhà giới thiệu ngôi thứ của từng người nhưng nhiều người vẫn không nhớ nổi ai là anh, đâu là em. Kỳ lạ hơn, tất cả các cháu nội, ngoại của cụ đều gọi người trên là bố là mẹ thay vì gọi bác, chú, cô, dì. Bởi bà muốn các thành viên trong nhà đều giống nhau, coi như một gia đình lớn thật sự.
Gần như không có chuyện phân biệt trai, gái, dâu, rể, mà mỗi người là một thành viên đều bình đẳng, được lắng nghe, đối xử như nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Quy đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh: Ngọc Thi. 
Khi chúng tôi hỏi, “Có khi nào các thành viên trong gia đình bất bình về khẩu vị?” thì nhận được những cái lắc đầu quầy quậy. Cụ Tề cho hay: “Các thành viên trong gia đình khẩu vị cũng đồng nhất. Anh em chúng nó có chung sở thích ăn uống, nhiều người thích cùng một món. Nhiều khi tôi còn thấy lạ là tại sao có thể hợp và giống nhau đến vậy, đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời”.
Cũng theo lời bà Quy, về làm dâu họ Nguyễn đã hơn 40 năm, bà không gặp một khó khăn trở ngại nào. Hồi còn trẻ nhiều điều chưa biết thì có mẹ chồng chỉ bảo từng ly. Say này, bà cũng quen, kế thừa được nhiều điều. Hơn nữa, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của hai người rất tốt.
Hiện, mái nhà trên phố Hàng Cân đã trở thành nơi trú ngụ của 5 gia đình nhỏ, gia đình của 3 con trai và 2 cháu nội. Có điều các thành viên trong gia đình không ai có ý định chuyển ra ngoài.
Với họ cuộc sống chung một bếp nấu, chung một mâm cơm, nhà tắm dưới một mái đã ăn sâu vào tiềm thức. Và đương nhiên sự đầm ấm của các thành viên cũng không thay đổi.

Theo Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội