Một người trưởng thành bình thường có thể duy trì giấc ngủ đêm từ 6 – 8 giờ mà không cần đi tiểu. Một người bình thường đi tiểu 8 lần ngày, trong đó có 7 lần vào ban ngày và 1 lần ban đêm là hợp lý nhưng nếu đi tiểu 2 lần/ đêm, thậm chí nhiều người còn phải thức giấc đến 5 – 6 để đi tiểu trong đêm, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, cụ thể như trầm cảm, mất ngủ, mệt mỏi…
|
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân của tiểu đêm không do bệnh lý
Do lão hóa: Thực tế ở người lớn tuổi khi cơ thể đã lão hóa qua nhiều năm thì khả năng sản xuất hormon chống bài niệu đã suy giảm dẫn tới lượng nước tiểu tăng lên, đặc biệt vào ban đêm. Thêm vào đó cơ thắt bàng quang cũng đã suy yếu và lỏng lẻo theo thời gian khiến việc giữ nước tiểu trong bàng quang càng khó khăn hơn
Cơ sàn chậu và vùng chậu suy yếu: Nguyên nhân này thường gặp ở phụ nữ mang thai và sinh đẻ nhiều lần
Tác dụng phụ của thuốc: Như thuốc lợi tiểu dùng trong điều trị tim mạch
Do lối sống: Đây là nguyên nhân rất quan trọng tác động trực tiếp tới việc tiểu đêm, khi bệnh nhân có những thói quen như uống nước nhiều buổi tối hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, trà hoặc cà phê có tác dụng lợi tiểu thì rất dễ gây kích thích bàng quang và gây ra tiểu đêm
Nguyên nhân do bệnh lý
Bàng quang tăng hoạt (OAB): Còn được gọi là bàng quang kích thích chính là nguyên nhân phổ hàng đầu dẫn tới tình trạng tiểu đêm ở mọi lứa tuổi. Những người bị hội chứng bàng quang kích thích sẽ có bàng quang rất nhạy cảm và co bóp ngay cả khi chưa chứa đầy nước tiểu, điều này sẽ khiến người bệnh có cảm giác buồn tiểu liên tục cả ngày lẫn đêm
U xơ tiền liệt tuyến: Bệnh gặp ở nam giới lớn tuổi khi u xơ có kích thước lớn sẽ dễ chèn ép vào cổ bàng quang gây kích thích và dễ bị tiểu đêm kèm với tiểu són hoặc tiểu không hết. Nam giới cần lưu ý các triệu chứng này để phát hiện sớm được bệnh
Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ cũng là một chứng rối loạn giấc ngủ gây ra tiểu đêm. Khi bạn gặp tình trạng này nghĩ là có khả năng não đã bị tổn thương, khiến cho hệ thần kinh trung ương không liên lạc và phát tín hiệu điều khiển cơ hô hấp. Khi ngủ vô thức, cơ thể không ý thức được tình trạng căng đầy của bàng quang và cần thải ra bên ngoài.
Khi xuất hiện trạng thái tắc nghẹn đường hô hấp do ngưng thở sẽ gia tăng áp lực âm trong lồng ngực đẩy đến tim, tim lập tực phát tín hiệu yêu cầu thải nước tiểu ở thận. Khi thận nhận được tín hiệu sẽ tăng bài tiết lượng nước tiểu khiến cho người bệnh trở mình đi tiểu nhiều lần, ngủ không còn ngon giấc. Cho nên việc điều trị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ giúp cho hiện tượng tiểu đêm giảm đi đáng kể.
Bệnh u xơ tử cung: Tương tự như u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới, u xơ tử cung gây tiểu đêm nhiều lần ở phụ nữ khi phát triển có thể chèn ép vào các cơ quan lân cận là bàng quang gây mót tiểu, tiểu đêm nhiều lần ở nữ giới.
Bệnh sỏi thận: Khi kích thước sỏi thận tăng cao cũng là nguyên nhân gây ra tiểu buốt, tiếu đêm nhiều lần kèm tiểu rắt, tiểu đục ở người bệnh.
Bệnh viêm đường tiết niệu: Bệnh nhân viêm đường tiểu thường có cảm giác đau vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần đi tiểu không nhiều, tiểu lắt nhắt.
Các nguyên nhân khác: Viêm bàng quang, viêm thận, suy thận hoặc các bệnh ngoài niệu như tiểu đường, suy tim, Parkinson cũng có khả năng có triệu chứng tiểu đêm.
Tiểu đêm có thể được khắc phục triệt để nếu tìm ra nguyên nhân gốc rễ và điều trị sớm, vì vậy người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi nên khám định kỳ thường xuyên để xác định được nguyên nhân của nó.
Những phương pháp đơn giản đến từ lối sống và cách sinh hoạt của bản thân có thể khắc phục được chứng tiểu đêm gồm có:
Hạn chế ăn canh rau có tính lợi tiểu, hạn chế uống nước quá nhiều, nhất là bia rượu vào buổi tối
Không nên hút thuốc, uống trà, cà phê trước khi đi ngủ, đi tiểu trước khi đi ngủ, tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ để có một giấc ngủ sâu và ngon giấc
Uống các thuốc lợi tiểu xa ra khỏi thời gian ngủ vào ban đêm
Tập bài tập Kegel vật lý trị liệu đối với phụ nữ qua nhiều lần thai sản để cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
Theo QUẢNG AN/ Tiền Phong