Theo bản tin của Bộ Y tế, tính đến tối 11/1, Việt Nam ghi nhận thêm 16.019 ca COVID-19 ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 4 (từ ngày 27/4) kéo dài đến nay khiến hơn 1,8 triệu người lây nhiễm.
Trong 7 ngày qua, số F0 mới tại Việt Nam dao động 14.000-16.000 F0/ngày, có thời điểm tổng ca nhiễm hơn 25.000 do các địa phương đăng ký bệnh nhân bổ sung.
Hà Nội 3 ngày liên tiếp trên 2.800 ca F0
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 10/1 đến 18h ngày 11/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca COVID-19. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp ghi nhận trên 2.500 ca nhiễm và là ngày thứ 3 liên tiếp Hà Nội có số ca mắc vượt mốc 2.800 ca/ngày.
Bảy ngày qua, thành phố này có 19.260 ca bệnh, cao nhất cả nước, trung bình mỗi ngày có 2.751 ca.
|
Nguồn: CDC Hà Nội. |
Toàn thành phố đang có 48.524 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó có 38.685 người theo dõi cách ly tại nhà. Từ khi Hà Nội bắt đầu tăng nhanh số ca nhiễm, thành phố đã tăng tốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi của thành phố này đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2. Tỷ lệ người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vaccine là 96,8%. Số trẻ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản cũng đạt tỷ lệ trên 90%.
Số lượng ca nhiễm tăng cao dẫn đến số trường hợp tử vong ở Hà Nội cũng có xu hướng tăng nhẹ. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến ngày 10/1, tỷ lệ tử vong/ca mắc của Hà Nội là 0,4%.
Trước tình hình số ca mắc tăng cao khiến tỷ lệ bệnh nhân nặng và nguy kịch tăng, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố triển khai 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19, đó là tập trung tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng.
Dịch hạ nhiệt ở các tỉnh miền Tây
Số ca mắc mới mỗi ngày tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang đang có chiều hướng giảm mạnh so với giai đoạn trước.
Tình hình ở Đồng Tháp cũng ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Trong tháng 12/2021, tỉnh này liên tục tăng nhanh số ca nhiễm, có thời điểm hơn 800 ca/ngày. Từ đầu tháng 1, số lượng này ngày càng giảm dần.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu của ngành y tế tỉnh này là nỗ lực giảm số lượng bệnh nhân nặng và tử vong do COVID-19. Trong văn bản mới ban hành gửi các cơ sở y tế, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp đề nghị các đơn vị phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị tốt hơn, đặc biệt là chú ý quản lý chặt F0 tại nhà, theo dõi chỉ số SpO2 để đánh giá nguy cơ tăng nặng.
Từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12, Cần Thơ luôn nằm trong số các tỉnh, thành có số lượng F0 cao nhất cả nước. Nhiều ngày Cần Thơ dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm, số lượng bệnh nhân tăng nhanh khiến các hệ thống y tế gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2021 đến nay, Cần Thơ ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 100 đến gần 300 ca mắc. Số lượng này vẫn còn khá cao nhưng đã giảm rõ rệt so với những ngày trước đó.
Tuy nhiên, các tỉnh như Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long vẫn còn ghi nhận số ca nhiễm ở mức cao.
Hải Dương trong ngày 11/1 không phát sinh ổ dịch COVID-19 mới nhưng các ổ dịch cũ có thêm nhiều F0 mới. Tuy nhiên, toàn tỉnh có đến 13 doanh nghiệp ghi nhận ca mắc COVID-19, trong đó, 8 doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 11/1, tỉnh này có 168 ca mắc COVID-19 và 182 bệnh nhân được ra viện. Các ca mắc mới phân bổ ở 12 huyện, thị xã, thành phố, nhiều nhất ở TP Hải Dương.
Toàn tỉnh hiện có 1.991 F0 đang được điều trị COVID-19, trong đó, 20 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Ngày 11/1, Đà Nẵng có 543 F0. Đây là ngày đầu tiên thành phố này có trên 500 ca bệnh COVID-19 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố, trong số 543 ca mắc mới, có 8 người được cách ly tập trung, 136 ca cách ly tạm thời tại nhà, 53 ca trong khu phong tỏa và 346 ca chưa cách ly (sàng lọc tại bệnh viện và test nhanh).
Trong số, 346 ca chưa cách ly có nhiều trường hợp làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và 478/543 ca mắc COVID-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng.
Yên Bái cũng lần đầu vượt mốc 100 ca F0 trong ngày kể từ khi dịch bùng phát đến nay. Theo thông tin từ Sở Y tế Yên Bái, trong số F0 mới, có 48 người được phát hiện qua lấy mẫu giám sát tại Công ty Thỏ Nipponzoki Việt Nam (huyện Văn Chấn).
Năm trường hợp mắc trong cộng đồng tại huyện Văn Chấn, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và TP Yên Bái. Các F0 còn lại ghi nhận trong khu cách ly và người về từ vùng dịch.
|
Bản đồ cấp độ dịch của tỉnh Bình Phước chuyển sang màu cam gần hết địa bàn. Ảnh: Báo Bình Phước. |
Trước tình hình số ca nhiễm tăng cao, tỉnh Bình Phước đã chủ động thành lập Bệnh viện dã chiến gần 1.000 giường (tại TP Đồng Xoài), trong đó có 180 giường điều trị F0 nặng, nguy kịch.
Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh này đang có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng vùng cam).
10 tỉnh, thành phố có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Việt Nam:
Bộ Y tế đốc thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Ngày 11/1, Bộ Y tế có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các địa phương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm nay.
Các địa phương cần rà soát, không để bỏ sót người chưa được tiêm chủng hay tiêm chưa đủ liều vaccine. Sau khi rà soát, lực lượng y tế khẩn trương tiêm đủ liều cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Đặc biệt, Bộ Y tế nhấn mạnh công tác quản lý, bảo vệ tối đa người nguy cơ cao (người già, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai), đảm bảo họ được tiêm chủng đủ liều và tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương.
Với trường hợp khó khăn di chuyển, các địa phương tổ chức điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà.
"Các địa phương tiếp tục tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng", công điện của Bộ Y tế nêu rõ.
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 15h ngày 11/1, cả nước đã tiêm trên 162,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19, cả nước có 36/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 90%. Các tỉnh hiện có tỷ lệ dưới 80% là Hưng Yên (78,4%), Nghệ An (76,8%), Hà Giang (73,7%), Cao Bằng (78,5%) và Sơn La (74,2%).
Về tiến độ tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, số mũi vaccine đã được tiêm là 13.930.813 liều, trong đó có 7.953.138 mũi 1 và 5.977.675 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 89,2% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 67,0% dân số 12 -17 tuổi.
32 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Theo Bích Huệ/Zing.vn