Chị Huyền Anh (sinh năm 1985, Hà Nội) là fan nữ trúng pháo sáng bắn vào chân khi đang theo dõi trận bóng giữa Hà Nội - Nam Định trên sân Hàng Đẫy tối 11/9. Chị bị pháo sáng bắn vào đùi, rách đến tận xương, bỏng lưu huỳnh nặng, phải mổ để khử hết chất độc hoá học.
Bỏng là một loại tổn thương hoại tử, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như nhiệt, điện, hóa chất,... Bỏng do sinh hoạt: chiếm 65% số ca bị bỏng. Trong đó, số ca bị bỏng do tai nạn lao động là khoảng 10%, số còn lại do tai nạn giao thông, điều trị, thiên tai,...
Di chứng sau bỏng
Đa số các vết thương do bỏng đều có thể phục hồi dần theo thời gian. Tuy nhiên, những trường hợp bỏng hóa chất nặng như chị Huyền Anh nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều di chứng về thẩm mỹ, tâm lý hay các biến chứng nguy hiểm.
Di chứng sau bỏng thường gặp nhất là các vết sẹo phì đại, sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo co kéo. Ngoài ra, một số vết bỏng còn gây di chứng dính tổ chức, loét thiểu dưỡng hay ung thư hóa trên nền sẹo,... Mức độ nặng nhẹ của các di chứng bỏng phụ thuộc vào độ sâu, vị trí bỏng và phương pháp điều trị.
|
Di chứng sau bỏng thường là các vết sẹo có độ nặng nhẹ khác nhau. Ảnh minh họa: Internet. |
Nếu sẹo bỏng nằm ở những vùng liên quan tới vận động như khớp cánh tay, chân, bàn tay,... thì sẽ làm giới hạn chức năng các khớp. Ngoài ra, vì vết sẹo do bỏng có diện tích khá rộng nên ảnh hưởng cũng khá lớn. Phức tạp nhất là sẹo bỏng ở bàn tay, đặc biệt là ảnh hưởng tới các ngón tay, khiến các ngón tay dính với nhau, khó phẫu thuật và phục hồi chức năng sau bỏng.
Ngoài vấn đề sức khỏe, hậu quả của bỏng còn là yếu tố thẩm mỹ và có thể gây ra các tổn thương về tâm lý cho bệnh nhân.
Điều trị di chứng bỏng
Điều trị di chứng của bỏng nhằm mục đích cải thiện sức khỏe, phục hồi công năng, thể hình và thẩm mỹ cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
Dùng thuốc: corticosteroid tiêm vào sẹo, các thuốc nhóm kháng histamin, methotrexat, penicillamin, colchicin, hirudoid, madecassol,... bôi tại chỗ.
Biện pháp cơ học: băng ép tạo lực, băng ép kết hợp gel silicon, dụng cụ cố định tứ chi, cổ,...
Liệu pháp vật lý: áp lạnh cục bộ, chiếu tia X, siêu âm, điện xung giảm đau trong sẹo, sử dụng laser CO2, các loại laser màu,...
Phẫu thuật: Giúp phục hồi cấu trúc giải phẫu, phục hồi chức năng và thẩm mỹ, chú ý tới yếu tố tâm lý người bệnh và tổ chức tại chỗ phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật điều trị di chứng của bỏng gồm chuyển vạt da, phẫu thuật ghép da, giãn tổ chức.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò chủ yếu trong điều trị di chứng sau bỏng, nhất là sẹo co kéo. Thông thường sau 6 tháng vết bỏng thành sẹo sẽ được chỉ định phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ cần chắc chắn sẹo đã ổn định, không còn tế bào viêm. Bên cạnh đó, với các vết bỏng lớn, phức tạp, cần có kế hoạch thích hợp lâu dài, phẫu thuật từng đợt, giải quyết từng bước, có thể kết hợp với liệu pháp vận động cho bệnh nhân phục hồi chức năng các cơ quan.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân bỏng
Các bác sĩ điều trị sẽ thăm khám, định ra các kế hoạch điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân bỏng từ lúc nhập viện tới khi ra viện. Ngoài ra, sau khi ra viện, bệnh nhân bỏng cũng cần tập luyện theo một chương trình nhất định để chống lại các di chứng do sẹo bỏng gây ra.
Bên cạnh đó, việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân bỏng cũng cần được quan tâm đúng mức. Sau khi ra viện, bệnh nhân cũng thường có tâm lý tự tin về hình thể, ngại tiếp xúc, khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng. Lúc này, người bệnh cần được tư vấn, giúp đỡ kịp thời để gạt bỏ chướng ngại giao tiếp.
Thảo Nguyên (TH)