Theo đó, đây là lời cảnh báo về ống hút và hạt bột trân châu được chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Bác sĩ Phan Xuân Trung. Tai nạn đáng tiếc liên quan tới trà sữa trân châu này đã khiến một bé gái 11 tuổi thiệt mạng, dù lúc đó bé đang chơi cùng mẹ vốn là một bác sĩ chuyên khoa 2 về hô hấp.
Bài viết của bác sĩ Phan Xuân Trung đăng tải trên trang FB cá nhân ngày 7/8 cho biết: “Một bác sỹ, nữ đồng nghiệp của tôi tháng trước bị mất con gái 11 tuổi. Bé đang khoẻ mạnh và chơi cùng mẹ. Mẹ là bác sĩ chuyên khoa 2 về hô hấp. Bé mất đột ngột vì một lý do rất vô lý. Vô lý đến mức không chấp nhận được. Vô lý đến mức người mẹ không dám nhớ, không dám nghĩ rằng tử thần đã lấy đi sinh mạng con.
Sự đau khổ và im lặng sẽ tiếp tục mở cửa cho những cái chết và sự đau khổ tương tự cho những đứa con và những bà mẹ khác.
Sự việc xảy ra khi hai mẹ con vui vẻ với món trà sữa trân châu. Món ngon cả hai mẹ con cùng thích. Hạt trân châu bằng bột, dẻo dẻo, dai dai, dính dính. Trà sữa ngọt ngào, thơm ngon. Chiếc ống hút to bự. Có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở! Bé nghẹn thở, không thể hít vào hay thở ra.
Mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Nghiệm pháp Heimlich vô hiệu. Hạt bột dính chứ không trơn như hột me hay hòn bi. Người mẹ bác sĩ chuyên khoa 2 về hô hấp không thể làm gì trong cơn hoảng loạn đó.
Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé không còn cơ hội sống!
Có lẽ nỗi đau này sẽ còn kéo dài đến vô tận. Tôi có lỗi khi chạm vào nỗi đau của bạn tôi nhưng tôi sẽ có lỗi nhiều hơn khi không cảnh báo cho mọi người về tai nạn chết người này.
Hãy cảnh giác với ống hút và hạt bột trân châu.
(Hãy share để cùng cảnh giác)”.
|
Lời cảnh báo về ống hút và hạt bột trân châu được chia sẻ trên trang cá nhân của Bác sĩ Phan Xuân Trung. Ảnh chụp màn hình Facebook. |
Ngoài ra, bác sĩ Trung khuyến cáo, khi ăn hạt trân châu hay rau câu, trẻ nên múc ăn bằng muỗng. Trường hợp dùng ống hút thì chọn ống nhỏ. Nếu dùng ống hút lớn, khi hút mạnh sẽ làm lọt thức ăn vào thanh quản.
Chỉ sau 14 giờ đăng tải, bài viết của bác sĩ này đã có tới 3,7 nghìn lượt người thích và 6,1 nghìn lượt người chia sẻ. Rất nhiều người bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với người mẹ. Đồng thời, họ cũng ủng hộ việc bác sĩ Phan Xuân Trung đưa ra lời cảnh báo kịp thời cho cộng đồng để tránh tai nạn tương tự xảy ra.
|
Những bình luận, chia sẻ của thành viên trên Facebook sau khi đọc bài viết. Ảnh chụp màn hình Facebook. |
Những trường hợp hóc dị vật đường thở như hạt chân châu trong trà sữa hay hóc thạch không phải hiếm gặp. Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM vẫn thường xuyên xử trí những ca hóc dị vật tương tự.
Ở TP HCM, tháng trước một bé 11 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì hóc rau câu gây sặc, tím tái. Tháng 3/2017, một bé trai 5 tuổi khác cũng bị hóc miếng rau câu, được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu quá muộn nên không thể qua khỏi.
Trà sữa trân chân, thạch rau câu là những loại thực phẩm ưa thích của nhiều trẻ. Tuy nhiên, khi ăn, uống những thực phẩm này, trẻ thường có khuynh hướng phải mút mạnh để đưa thực phẩm vào miệng. Chính điều này làm tăng nguy cơ đẩy thực phẩm lọt qua đường thở, khiến trẻ ngạt. Nếu xử trí không kịp thời thì trẻ rơi vào tình cảnh nguy kịch.
Những dị vật có góc cạnh thường khi bị hóc vẫn còn khe hở cho trẻ tiếp tục thở được, nhưng những vật thể tròn, trơn, nhẵn như hạt trân châu khi rơi xuống thanh quản thì càng khít và gây nghẹt thở càng nhanh. Ngay cả trường hợp cấp cứu kịp thời, bác sĩ cũng rất khó khăn để lấy ra nên trẻ thường bị di chứng nghiêm trọng sau này.
Do vậy, phụ huynh cần thận trọng, lưu ý cho trẻ ăn để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bác sĩ khuyến cáo, trẻ dưới 5 tuổi ăn rau câu, trân châu phải có sự giám sát của người lớn.
Trường hợp trẻ bị hóc thạch rau câu, hạt trân trâu hoặc các dị vật khác, người lớn tuyệt đối không được dùng tay móc họng trẻ nhằm tránh nguy cơ đẩy dị vật vào sâu hơn.
Khi thấy trẻ tím tái có thể áp dụng biện pháp đặc biệt: Vỗ lưng, ấn ngực,... nhằm tạo áp lực trong lồng ngực và đường thở để tống dị vật ra khỏi đường thở.
Tuy nhiên, cách sơ cứu này đòi hỏi kỹ thuật phải khá tốt, sau khi sơ cứu nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất.
Thảo Nguyên (TH)