Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung nên phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của bản thân. Tùy theo độ tuổi và nhóm đối tượng để tầm soát cho phù hợp.
Tùy độ tuổi, sức khỏe khuyến nghị kiểm soát khác nhau
Khuyến nghị tầm soát ung thư cổ tử cung ở nữ giới được phát triển bởi một số tổ chức như Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF), Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (ACCS). Theo đó, tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung nên phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của bản thân. Các độ tuổi được khuyến nghị thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm:
Độ tuổi 21 – 29: Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung ở độ tuổi từ 21 đến 29. Cơ quan này khuyến cáo phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap lần đầu tiên khi 21 tuổi, sau đó lặp lại xét nghiệm mỗi 3 năm/ lần. Ngay cả khi đã có hoạt động tình dục, phụ nữ cũng không cần xét nghiệm Pap trước năm 21 tuổi.
|
Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung - Ảnh minh họa |
Độ tuổi 30 – 65: Từ 30 đến 65 tuổi, phụ nữ nên áp dụng các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung sau:
Xét nghiệm HPV: Nếu kết quả bình thường, phụ nữ có thể đợi 5 năm sau để thực hiện xét nghiệm HPV lần tiếp theo.
Xét nghiệm HPV kết hợp Pap: Nếu hai xét nghiệm cho ra kết quả bình thường, phụ nữ có thể thực hiện đợt xét nghiệm sàng lọc tiếp theo sau 5 năm.
Xét nghiệm Pap: Nếu kết quả bình thường, sẽ thực hiện đợt kiểm tra Pap tiếp theo vào 3 năm sau.
65 tuổi trở lên: Trên 65 tuổi, các xét nghiệm HPV và Pap trước đó đều có kết quả bình thường, bạn nên trao đổi thêm về bác sĩ về việc có nên tiếp tục thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung nữa hay không. Tuy nhiên, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nghi ngờ nguy cơ ung thư cổ tử cung, bạn vẫn nên tiếp tục tiến hành khám sàng lọc sau tuổi 65.
Những trường hợp ngoại lệ
Nếu thuộc một trong những nhóm đối tượng sau, bác sĩ có thể đề nghị bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung với tần suất thường xuyên hơn:
- Người dương tính với HIV;
- Người suy giảm miễn dịch;
- Người đã sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh
- Người có kết quả xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung hoặc sinh thiết bất thường vào thời điểm gần đây;
- Người từng mắc ung thư cổ tử cung.
Các cách tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay
Xét nghiệm Pap: Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (hay Pap test) là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung có độ nhạy 50 – 55%, độ đặc hiệu 96,8%. Pap test sẽ thông qua việc thu thập và phân tích mẫu tế bào cổ tử cung nhằm phát hiện những biến đổi bất thường tại cổ tử cung từ sớm. Các kỹ thuật xét nghiệm Pap test gồm:
Pap truyền thống (hay Pap smear): là phương pháp đơn giản, phổ biến, tương đối rẻ tiền và không khiến cho người xét nghiệm bị đau.
Pap nhúng dịch (ThinPrep/ Liquid Prep): Sự ra đời của Pap nhúng dịch khắc phục được những nhược điểm của phương pháp Pap truyền thống. Pap nhúng dịch là xét nghiệm duy nhất được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt, có hiệu quả đáng kể so với Pap truyền thống.
Đây là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung mang lại giá trị cao nhờ ưu điểm cho ra hình ảnh mô học đẹp, dễ xem, tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào biểu mô bất thường. Nhưng lại có giá thành cao hơn phương pháp Pap truyền thống.
Xét nghiệm HPV: HPV là nguyên nhân chính dẫn đến hơn 90% ca ung thư cổ tử cung. Trong số các bệnh ung thư ở người có 15% nguyên nhân là do nhiễm virus. Trong đó, HPV lại chiếm khoảng 4,5% (khoảng 600.000 trường hợp) gồm ung thư cổ tử cung, ung thư hầu họng, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ và ung thư dương vật…
HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục hoặc qua việc sử dụng chung đồ dùng có chứa virus, hay lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Hầu hết những người từng quan hệ tình dục sẽ nhiễm HPV ở một giai đoạn nào đó trong đời, khiến nguy cơ mắc bệnh luôn tiềm ẩn.
Mẫu xét nghiệm được lấy từ tế bào cổ tử cung, sau đó xử lý bằng máy phân tích để xác định sự hiện diện của HPV. Xét nghiệm HPV thường được bác sĩ chỉ định thực hiện đồng thời cùng với xét nghiệm Pap.
Khám phụ khoa và soi cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác khiến việc phát hiện bệnh khó khăn, đa số trường hợp chỉ phát hiện ở giai đoạn muộn. Do đó, việc thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm/ lần với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản luôn được khuyến nghị.
Tuy rằng thăm khám phụ khoa thông thường không giúp bác sĩ khẳng định bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng là bước cần thiết để bác sĩ có cơ hội đánh giá, phát hiện sớm những tổn thương, viêm nhiễm; từ đó chỉ định phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung chuyên sâu, phù hợp với người bệnh.
Khám phụ khoa là bước cần thiết để bác sĩ có cơ hội đánh giá, phát hiện sớm những tổn thương, viêm nhiễm.
Bác sĩ có thể soi cổ tử cung bằng thiết bị phóng đại chuyên dụng trong phụ khoa. Phương pháp soi cổ tử cung mang hình ảnh phóng to 10 cho đến 30 lần, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát tổn thương và các bất thường mà mắt thường không thể thấy được.
Bác sĩ có thể soi cổ tử cung kết hợp với việc phết dung dịch acid acetic 3 – 5% và và dung dịch lugol 2% nhằm định vị chính xác tổn thương cổ tử cung. Nếu phát hiện bất thường trong quá trình này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô để sinh thiết.
ThS.BS Trần Đức Cảnh (Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K)