Vừa ngủ dậy nửa tiếng đã buồn ngủ
Giãi bày về căn bệnh lạ lùng của mình, chị Nguyễn Thị Thúy cho biết, nhiều năm nay, lúc nào chị cũng cảm thấy buồn ngủ.
Chị Thúy có thể “khò khò” dù đang ngồi đếm tiền hàng ở chợ. Nhìn thấy chị ngủ khi đang đếm tiền, bạn hàng phải gọi chị dậy vì sợ có kẻ xấu lợi dụng lấy trộm tiền lúc nào không hay. Rất nhiều lần, chị Thúy ngủ ngon lành dù trước đó đang buôn chuyện râm ran với các bà hàng xóm. Ai cũng phải “lắc đầu lè lưỡi” vì chị quá dễ ngủ.
|
Chứng bệnh ngủ nhiều khiến nhiều chị em khổ sở. Ảnh minh họa. |
Đỉnh điểm gần đây, khi đang đi tập thể dục với con gái, chị ngã lăn ra đất chỉ vì…ngủ gật. Con gái chị sợ quá, phải đưa mẹ về nhà ngay lập tức.
Không ít lần chị đã quyết định nghỉ chợ, ở nhà ngủ một hôm cho đã mắt. Nhưng càng ngủ, chị lại càng thèm ngủ và việc ngủ gật lại tái diễn. Thậm chí vừa ngủ dậy được nửa tiếng, chị Thúy lại thấy buồn ngủ được ngay.
“Chứng thèm ngủ kỳ quái khiến tôi ngại đi đến nhà khác chơi. Vì lần nào cũng xảy ra tình cảnh ngủ gật khi đang ngồi nói chuyện mà không thể khống chế được cơn buồn ngủ đáng sợ”, chị Thúy tâm sự.
Nửa năm trở lại đây, chị Nguyễn Phương Dung (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mắc chứng bệnh tương tự. Mỗi ngày, chị Dung dành tới 10 tiếng đồng hồ cho việc ngủ. Vậy mà những cơn buồn ngủ vẫn kéo đến khiến chị cảm thấy như đang bị “tra tấn” khi đang làm việc ở công sở.
“Công việc bận rộn, đồng nghiệp có người cho rằng tôi lười biếng, lơ mơ, thậm chí “thô” khi tới nơi làm việc. Nhiều khi tôi không hiểu tại sao mình lại buồn ngủ đến mức như thế. Nếu cho tôi ngủ, tôi có thể ngủ tới 12 tiếng mỗi ngày”, chị Dung chia sẻ. Theo chị, chứng ngủ nhiều có thể do công việc quá căng thẳng, áp lực.
Nỗi khổ sở của những người “dành cả tuổi thanh xuân để ngủ”
Theo bác sĩ Đinh Hữu Uân, Thành Viên Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ - APA, người trưởng thành bình thường chỉ cần ngủ từ 6 – 8 giờ, còn trẻ em ngủ từ 8 – 12 giờ.
Tuy nhiên, với người mắc bệnh ngủ nhiều thì số giờ sẽ tăng vọt lên. Đặc trưng của hội chứng ngủ rũ là buồn ngủ quá nhiều vào ban ngày kể cả khi đã ngủ đủ giấc vào ban đêm.
Với người lớn, họ có thể ngủ ừ 12 đến 18 tiếng một ngày. Còn trẻ em được gọi là ngủ nhiều khi ngủ quá 18 giờ mỗi ngày.
Không ít người cho rằng chứng thèm ngủ ban ngày chỉ là do họ mệt mỏi, áp lực. Nhưng thực chất đây là một sự rối loạn phức tạp trong não bộ.
Não của người mắc bệnh ngủ nhiều bị thiếu hụt chất orexin – chất thần kinh có tác dụng điều khiển sự thức dậy của con người.
“Bệnh này gây phiền toái cho người bệnh rất nhiều, có thể khiến họ mất việc, bị sa thải vì tới cơ quan chỉ muốn ngủ, chểnh mảng công việc.
Bệnh nhân buồn ngủ không thể cưỡng nổi và cuối cùng dẫn đến cơn ngủ khi nói chuyện, lái xe hoặc trong khi đang đi. Điều này rất nguy hiểm vì có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Trẻ em thì xao nhãng học hành khi mắc chứng ngủ nhiều”, bác sĩ Đinh Hữu Uân cho hay.
Theo bác sĩ Đinh Hữu Uân, nếu ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày, người bệnh cần tới bệnh viện để được khám và điều trị. Không nên chịu đựng hoặc tự ý uống thuốc dễ dẫn tới hậu quả khôn lường.
Nếu nguyên nhân khiến ngủ nhiều là do dùng chất gây nghiện thì người bệnh cần được cai nghiện các chất này càng sớm càng tốt.
“Luôn đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm nhất định trong ngày có thể giúp cải thiện chứng bệnh này. Ngoài ra, việc ngủ trưa thêm 20 phút có thể giảm buồn ngủ 1-3 giờ, giúp đầu óc tỉnh táo hơn. Khi bắt gặp những triệu chứng buồn ngủ kì lạ, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân chính xác và cách điều trị thích hợp”, bác sĩ Uân khuyến cáo.
Theo Thu Hà/Em Đẹp