Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết đã điều trị cho nam bệnh nhân (58 tuổi) bị mắc hội chứng Loeffler (LS), một bệnh hô hấp hiếm gặp xảy sau do nhiễm ký sinh trùng gây. Đây có thể là hậu quả của việc nhiều năm không tẩy giun.
Được biết, trước đó bệnh nhân bị ho, sốt. Tưởng bị cảm cúm nên mua thuốc kháng sinh, hạ sốt, long đờm về uống nhưng tình trạng không cải thiện. Sau đó đã đến viện khám, kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu máu tăng cao, trong đó tăng chủ yếu thành phần bạch cầu ưa acid kèm theo tổn thương phổi. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm phổi, viêm gan B và dương tính với giun đũa, giun lươn.
Hội chứng Loeffler (LS) có tỷ lệ mắc khá hiếm. Ảnh minh họa
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Loeffler (LS), một bệnh hô hấp hiếm gặp xảy ra sau khi nhiễm ký sinh trùng. Người bệnh được điều trị bằng thuốc tẩy giun đặc hiệu. Sau 2 tuần thì hết triệu chứng, không còn hình ảnh tổn thương phổi trên phim chụp.
Bác sĩ cho biết, hội chứng Loeffler (LS) là bệnh hiếm gặp, do ấu trùng giun lên qua phổi gây ho kéo dài. Bệnh đặc trưng bởi tổn thương ở phổi và tăng bạch cầu. Người bệnh cũng có thể gặp các tổn thương trên da giống như sợi chỉ hoặc nổi ban đỏ với nhiều kích cỡ khác nhau. Nhiều trường hợp bị ho, khò khè, khó thở, sốt hoặc không.
Nguyên nhân của hội chứng chủ yếu là phản ứng dị ứng đối với sự di chuyển qua phổi của ấu trùng giun sán, như giun đũa (A. lumbricoides), giun móc và giun lươn.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần uống thuốc tẩy giun định kỳ. Nên ăn chín uống sôi, không nên ăn gỏi cá sống, rau sống, nhất là ở những vùng vẫn còn sử dụng phân tươi ủ để bón cho cây trồng. Khi lao động, tiếp xúc với đất, rau, mọi người nên mặc đồ bảo hộ, phòng ký sinh trùng lây qua da. Nếu có các biểu hiện như xanh xao, sút cân, mệt mỏi, nên đi khám sớm để tránh biến chứng.
Những bệnh rình rập nếu bạn không tẩy giun?
Ảnh minh họa
Giun là loài ký sinh trùng ký sinh trong cơ thể người, hút các vitamin, dưỡng chất và protein… làm ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể như xanh xao, suy nhược và thiếu máu. Ngoài ra, giun còn hấp thụ thức ăn và thải ra các chất độc trong đường ruột, gây ra các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn... Thậm chí có thể dẫn đến viêm loét ruột, viêm tụy cấp, viêm đường tắc mật…
Thuốc tẩy giun có công dụng diệt trừ 98% các loại giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim… Nên uống thuốc tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần (2 lần/năm) để tăng cường sức khỏe đường ruột, hấp thu tốt hơn các dưỡng chất thiết yếu và phòng tránh các bệnh về hệ tiêu hóa. Ngoài ra, uống thuốc tẩy giun đúng cách còn giúp tạo cảm giác ngon miệng hơn.
5 nhóm người được khuyến cáo không nên uống thuốc tẩy giun
Ảnh minh họa
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Thai nhi chưa ổn định trong giai đoạn này, dễ gây ra tình trạng dị dạng thai nhi và sảy thai.
- Phụ nữ đang cho con bú: Trẻ sẽ hấp thu các chất độc hại từ thuốc thông qua đường sữa mẹ. Trường hợp bắt buộc phải uống thuốc tẩy giun, mẹ nên ngưng cho con bú từ 2 - 3 ngày sau khi uống thuốc để đào thải hết thuốc ra khỏi cơ thể.
- Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi: Trẻ nhỏ nếu uống thuốc trong giai đoạn này sẽ dễ gặp phải nhiều tác dụng phụ vì hệ tiêu hóa còn kém.
- Người bị hen suyễn, suy gan, suy thận, người sốt trên 38.5 độ C, người đang mắc bệnh cấp tính... nếu uống thuốc tẩy giun sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Theo Gia đình và xã hội