Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi từ cuối năm 2015, nạn dịch Zika bùng nổ ở Brazil, ảnh hưởng tới hơn 1 triệu người và làm thay đổi quan điểm về loại virus do muỗi truyền nhiễm này. Các nhà khoa học cho rằng thực chất Zika nguy hiểm hơn những gì mà mọi người nghĩ, với những tác hại trực tiếp đến bộ não của bào thai dẫn đến tình trạng sức khỏe yếu, không thể chữa khỏi cũng như việc nhận thức chậm. Do những hậu quả như vậy, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ ngày 1/2.
Trong khi đó, virus này đang lan truyền khắp bán cần phía Tây với tốc độ chóng mặt. Hơn 20 quốc gia hiện đã phát hiện virus và Zika có thể sẽ đi tới từng ngóc ngách của nước Mỹ trong năm nay. Vậy cần phải biết những thông tin gì về Zika để đối phó với nạn dịch này?
1. Đây có phải là một loại virus mới?
Zika thực tế là một loại virus cũ nhưng chỉ mới gần đây các chuyên gia y tế mới thực sự lo lắng về loại virus này. Zika lần đầu được phát hiện năm 1947 từ những con khỉ ở rừng Zika, Uganda. Và sau nhiều thập kỷ, loại virus này đã gây hại cho con người.
|
Phát ban là một trong những triệu chứng mắc Zika. |
Trước năm 2007, chỉ có 14 trường hợp nhiễm Zika được ghi nhận. Nhưng sau đó dịch đã bùng nổ ở đảo Yap, Micronesia, với 49 trường hợp mắc. Kể từ đó, các ca nhiễm Zika liên tục tăng, lan tới cả khu vực các đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả đại dịch năm 2013-2014 ở Polynesia, Pháp với 388 trường hợp nhiễm.
Tháng 5/2015, các quan chức y tế đã phát hiện virus Zika ở Brazil, có thể do một du khách mang đến vào kỳ World Cup. Trong vòng 1 năm, hơn một triệu người ở Brazil đã bị nhiễm virus này khi muỗi truyền từ người này sang người khác.
Zika đã có mặt ở hơn 20 quốc gia, hầu hết tập trung ở Trung và Nam Mỹ, khu vực Caribbean và có thể còn lan rộng ra nhiều khu vực khác.
2. Chuyện gì xảy ra nếu nhiễm Zika
Một trong những điều khiến Zika rất khó theo dấu, đó là phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều không có biểu hiện gì cụ thể. Những người mắc bệnh thậm chí cũng không thể nhận ra, vì vậy họ sẽ không tới các cơ sở y tế để xét nghiệm. Điều này khiến cho việc cách ly xảy ra chậm và dễ lan truyền virus sang người khác nếu họ bị muỗi cắn.
|
Nhiều trẻ em mắc chứng đầu nhỏ khi mẹ bị nhiễm virus Zika lúc mang thai. |
Còn lại, số lượng nhỏ bệnh nhân mắc Zika, chưa đến 20%, có một số hiện tượng không mấy nổi trội như: sốt nhẹ, người nhức mỏi, đau đầu cũng như mắt đỏ và phát ban toàn thân. Hiếm hơn nữa, Zika có thể khiến người bệnh thấy đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Các hiện tượng này xuất hiện từ 2 đến 12 ngày sau khi bị muỗi cắn và sẽ kéo dài một tuần. Những dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện thường rất hiếm gặp.
Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Trong một số trường hợp, Zika có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Ở cả Brazil và Polynesia, các nhà nghiên cứu cho biết một số người nhiễm virus Zika đã được chẩn đoán mắc chứng Guillain-Barré, thuộc nhóm viêm đa rễ dây thần kinh, gây ra các triệu chứng rối loạn thần kinh vận động, cảm giác, thần kinh thực vật… có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là nhiều năm.
Đáng lo hơn, đã có bằng chứng cho thấy Zika có liên quan đến hiện tượng trẻ sơ sinh bị dị tật do mẹ nhiễm virus Zika như chứng đầu nhỏ và chậm phát triển trí não.
Kể từ khi Zika đến Brazil năm 2015, hơn 4.000 trường hợp dị tật ở trẻ em đã được ghi nhận, gấp 20 lần so với năm trước. Virus đã được tìm thấy trong các bào thai của những phụ nữ có bầu và có cả trong não của những em bé chỉ sống được 24 giờ sau khi sinh.
Cho đến nay, Zika là virus duy nhất gây ra chứng đầu nhỏ, dù đây là biến chứng khá hiếm của virus Zika nhưng cũng đủ để WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
3. Phụ nữ có thai phải làm gì với Zika?
Điều khó khăn ở đây là rất nhiều người mang virus nhưng lại không được chẩn đoán bệnh. Điều này khiến cho những người phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị có thai không có biện pháp phòng ngừa.
Ở một số khu vực Mỹ Latin, phụ nữ được khuyên không nên có thai trong quãng thời gian này vì lo ngại nhiễm virus Zika. Đây không phải là điều dễ dàng bởi ở nhiều quốc gia Nam Mỹ, kế hoạch hóa gia đình là điều không tồn tại, bao cao su là biện pháp không phổ biến và phá thai là bất hợp pháp.
Trong khi đó, những người phụ nữ Mỹ đang mang thai được khuyên nên tránh xa các quốc gia nơi có virus Zika. Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng đã ban hành một bản hướng dẫn cách chắm sóc đối với phụ nữ mang thai trong tình hình dịch Zika bùng phát.
4. Zika lây nhiễm qua những đường nào?
Virus Zika chủ yếu do loại muỗi Aedes aegypti truyền bệnh. Cũng có một số bằng chứng cho thấy loại muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus) cũng có thể lây lan virus này. Đây là loại muỗi khá phổ biến ở Mỹ, có mặt tại ít nhất 32 bang.
|
Zika chủ yếu lây nhiễm qua đường muỗi đốt.
|
Loại muỗi Aedes rất nhanh thích nghi với môi trường sống của con người. Chúng có thể sinh sôi trong một chậu nước nhỏ và môi trường ẩm ướt xung quanh nhà ở.
Tuy nhiên, muỗi không phải là nguồn truyền bệnh duy nhất của Zika. Có nghiên cứu cho thấy Zika có thể lây nhiễm qua đường tình dục. Trong một trường hợp, một người đàn ông đi du lịch ở Senegal và nhiễm Zika đã truyền virus sang vợ sau khi ông trở về nhà. Trong trường hợp khác, Zika cũng được phát hiện trong tinh dịch.
Các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn về việc Zika có thể tồn tại bao lâu trong tinh dịch cũng như việc virus này lây truyền qua đường tình dục như thế nào.
5. Đã có thuốc chữa Zika hay chưa?
Cho đến nay, virus Zika chưa gây ảnh hưởng quá lớn đối với sức khỏe con người, vì vậy nghiên cứu về loại virus này vẫn rất hạn chế. Việc dịch Zika bùng phát gần đây đã gây được sự chú ý cho các nhà khoa học và WHO đã kêu gọi các nhà nghiên cứu phát triển loại vaccine phòng bệnh Zika cũng như thực hiện các biện pháp phát hiện bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình này sẽ phải mất nhiều năm nữa.
6. Làm thế nào để ngăn chặn đại dịch Zika?
Do Zika lây qua đường muỗi căn và chưa có vaccine đặc trị, cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh dịch này lan rộng là tránh để muỗi mang virus cắn người. Các quan chức y tế có thể phun thuốc để ngăn ngừa muỗi cũng như khuyên mọi người nên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, không tạo môi trường cho muỗi sinh sôi.
Bên trong nhà, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên lắp các màn ngăn muỗi, mặc các đồ bảo hộ, sử dụng các sản phẩm chống muỗi, giữ nhà ở mức nhiệt độ mát, sử dụng điều hòa cũng là một biện pháp hay.
Theo Infonet