Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc. Biết được nguyên nhân gây rụng tóc và tìm cách khắc phục sớm sẽ tốt hơn là để đến khi mái tóc chỉ còn lưa thưa mới tìm cách làm dày tóc trở lại.
|
Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc. Ảnh minh họa: Internet |
Sau đây là những nguyên nhân hay làm rụng tóc:
1.Thiếu sắt
Nếu cơ thể bạn thiếu sắt, máu sẽ không đủ để truyền ô xy đến các tế bào. Thiếu máu do thiếu sắt sẽ làm tóc trở nên yếu và rụng nhiều hơn. Vì thế, khi tóc rụng nhiều, hãy nghĩ đến nguyên nhân này. Cách khắc phục chỉ là bổ sung thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, các loại đậu đỗ, rau ngót, hàu…, đồng thời uống thêm viên sắt.
2.Bạn đang giảm cân đột ngột
Dù bạn chủ động giảm cân hay bị giảm cân thì việc giảm cân nặng đột ngột sẽ khiến tóc thiếu hụt dưỡng chất và rụng nhiều hơn.
Hãy chú ý đừng để giảm cân quá nhanh để không ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể nói chung, sức khỏe mái tóc nói riêng. Nếu bạn bị sụt cân không theo mong muốn, hãy điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể ở trạng thái tích cực.
3. Bạn bị thiếu protein
Protein có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Khi thiếu protein, tóc sẽ khô xơ, chẻ ngọn và gãy rụng (tóc được cấu tạo chủ yếu từ protein). Vậy nên, đừng ăn uống kiêng khem quá mức khiến cơ thể thiếu hụt protein nhé! Khi phát hiện tóc bị gãy rụng, hãy xem lại chế độ ăn của mình, cung cấp thêm protein thì chắc chắn sẽ khắc phục được hiện tượng tóc rụng.
4.Stress
Khi bạn bị stress, cơ thể sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch; Cùng với sự suy giảm của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể, tóc cũng trở nên khô, xơ và yếu. Kiểm soát được stress là cách giúp tóc không bị gãy rụng.
Tự bạn có thể kiểm soát được stress bằng cách cân bằng, sắp xếp lại cuộc sống của chính mình. Nếu cảm thấy khó khăn, hãy tìm trợ giúp từ người thân, bạn bè hoặc bác sĩ tâm lý.
5. Sử dụng thuốc điều trị bệnh
Một số thuốc điều trị bệnh sẽ có những tác dụng phụ, làm thay đổi quá trình sinh trưởng của tóc, gây ra tình trạng rụng tóc. Khi quá trình điều trị bệnh kết thúc, tóc sẽ mọc trở lại.
Nếu bạn đang phải sử dụng thuốc điều trị bệnh nào đó, đồng thời tóc của bạn cũng rụng nhiều, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để nhận được những lời khuyên cụ thể.
6.Uốn, duỗi, nhuộm… quá nhiều
Khi bạn tác động đến mái tóc quá nhiều như sử dụng thuốc nhuộm tóc, uốn, duỗi, sấy tóc nhiều sẽ khiến tóc bị tổn thương bởi nhiệt và hóa chất.
Nhiệt và hóa chất khiến các lớp lipid và lớp vảy keratin ở lớp biểu bì của tóc liên kết không chặt chẽ, dẫn dến lõi tóc bị khô, nang tóc teo lại. Cách hồi phục mái tóc là để tóc nghỉ ngơi, tạm thời dừng mọi tác động, đồng thời bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
7.Bạn mắc các bệnh ở da đầu
Khi có bệnh nấm, vảy nến, eczema…, tóc sẽ bị tổn thương, gây rụng tóc và chậm mọc lại lớp tóc mới. Cách xử lý là đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị các bệnh ngoài da. Khi bệnh ổn định, tóc bạn sẽ hết gãy rụng và sớm dày trở lại.
8.Yếu tố di truyền
Một sự thật là mái tóc cũng có yếu tố di truyền. Nếu tóc của bố mẹ bạn cũng mỏng, thưa thì khả năng tóc bạn cũng sẽ như vậy.
Cách khắc phục phần nào là ăn uống đủ chất, không để cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Khi cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng thì mái tóc cũng sẽ óng mượt, khỏe mạnh hơn.
Theo Diệp Lâm/Đời sống Plus