Các cụ thời xưa có câu “Chửa cửa mả”, “Đi biển có bạn, vượt cạn một mình”. Bởi các mẹ thời xưa làm lụng vất vả tới tận ngày đẻ. Khi đi đẻ, họ phải vượt qua cơn đau thừa sống thiếu chết trong tình cảnh thiếu thốn các phương pháp hỗ trợ sinh nở. Cho nên, chuyện đi đẻ luôn là một ký ức, nỗi ám ảnh không thể nào quên.
Ai cũng ngưỡng mộ bác Nguyễn Thị Lan (54 tuổi, Phường Dương Nội, Q. Hà Đông, Hà Nội) vì có tới bốn người con trai. Anh nào cũng cao to, giống bố như “đúc một khuôn”. Nhưng để có bốn người con trai trưởng thành như bây giờ, bác Lan đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng gian khó.
|
Gia đình bác Nguyễn Thị Lan luôn tự hào vì có tới bốn người con trai. |
“Ngày xưa không có khám thai, chỉ biết mất kinh là có chửa, chửa là đẻ. Đứa nào cũng đi cấy , đi vơ cỏ đến tận ngày đẻ, không kịp chuẩn bị gì. Đang cấy thấy đau bụng, đi về nhà, kêu chồng chở bằng xe đạp lên trạm xá là đẻ luôn.
Trạm xá cách nhà hơn một cây số, mọi thứ đơn sơ, chỉ có chiếc giường sắt và manh chiếu, có thêm cái bàn đẻ và chậu nhôm cũ kỹ để phục vụ việc đỡ đẻ. Nhau thai bà đẻ được cho vào cái xô nhựa, vứt đâu thì vứt. Các dụng cụ y khoa không hiện đại như bây giờ, không có thuốc giảm đau, cứ đẻ là đẻ thôi”, bác Lan chia sẻ.
Theo bác Lan cảm nhận, thời xưa phụ nữ đẻ dễ hơn so thời bây giờ, thậm chí “đẻ như gà” nên dù phòng sinh cũ kỹ, đơn sơ cũng không thấy sợ hãi khi đi đẻ. Sau sinh, phụ nữ cũng chỉ có xô gạc để thấm sản dịch, chứ không có băng vệ sinh thuận tiện như thời nay. Nhà nào khá giả thì có 10 miếng xô. Còn đa phần chị em chỉ có 4,5 miếng giặt đi giặt lại dùng cả ngày. Để cố định xô thấm, chị em chỉ có thể dùng băng dính hoặc tự khâu lại bằng chỉ.
Đến khi sinh con trai thứ tư Nguyễn Huy Lợi, bác Lan mới thực sự bước vào cuộc chiến sinh tử vì chứng tiền sản giật. Khi bác đi khám thai tháng thứ sáu, bác sĩ kết luận em bé phát triển bình thường. Khi bầu được gần bảy tháng thì bác Lan bất ngờ đẻ non vì tiền sản giật, phải ra bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu. Em bé sinh non chỉ nặng có 900g, bịt hết mắt và rốn, quanh người là máy móc, nuôi lồng kính suốt một tháng rưỡi trong sự lo âu, thấp thỏm của bác sĩ và gia đình.
May mắn đã mỉm cười khi cả hai mẹ con được cứu sống. Khi em bé được 2.1kg, có thể cựa quậy, cất tiếng khóc thì mới được về bên vòng tay mẹ. Bác Lan bảo ngày đó, em bé sinh non 900g sống được là một kỳ tích lớn. Suốt 90 ngày, chồng và các con trai lớn của bác Lan ngày ngày đạp xe ra viện chăm sóc mẹ. Lần đi bệnh viện sinh con thứ tư đã “ngốn” của vợ chồng bác tận 2 cây vàng, bao nhiêu tiền của trong nhà đội nón ra đi.
Sau sinh con, bác Lan gần như không có chế độ nghỉ ngơi. Hai vợ chồng tự chăm nhau là chính. Chồng đi thồ vôi kiếm cân gạo, vợ ở nhà cơm nước, chăm con. Hầu như đứa nào cũng đẻ được vài ngày là dậy cơm nước, giặt giũ. Nuôi con gà để lấy quả trứng, rau hái quanh làng.
Không có bếp ga như bây giờ, chỉ có bốn hòn gạch kê lên bên vệ tường đất là thành cái bếp. Đun bếp rơm khói toét mắt, vừa bế con vừa đun bếp. Đun được tí tro bếp nào cho vào tải để trồng lạc, lấy lạc ăn cả năm, chia ra mỗi bữa vài củ. Bữa nào ăn ngon thì có bìa đậu phụ, trứng gà có một quả chưng cà chua lên cả nhà ăn “bay” nồi cơm.
Đẻ non vì đường quá sóc
Cô Nguyễn Thị Lý (52 tuổi, Phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Hà Nội) vẫn không thể quên những ngày thai kỳ kinh hoàng ở tuổi 19.
“Thời đó không có que thử thai nên người mẹ chỉ biết mình thai thai sau khi bị mất kinh lâu ngày và biểu hiện ốm nghén như nôn, sợ đồ ăn. Sau khi biết chắc chắn mình có thai, các mẹ cứ thế chờ đến ngày khai hoa nở nhụy chứ không được khám thai định kỳ, không siêu âm, không tiêm phòng, không uống thuốc bổ và không có ngày dự sinh như bây giờ. Nhà nào khá giả thì có chút thức ăn tẩm bổ, còn nhà nào nghèo thì mẹ bầu cứ để sinh con tự nhiên theo kiểu trời sinh voi sinh cỏ, không bồi dưỡng, không khám xét gì cả”, cô Lý kể lại.
|
Tấm ảnh cưới của thời xưa cô Lý đã giữ suốt 30 năm nay. |
Cô Lý kể, các mẹ bầu thế hệ của cô đều chung cảnh như thế. Thậm chí, các bà bầu bụng to vượt mặt rồi vẫn phải gánh nước, đi lấy củi, giặt giũ, cấy hái đến tận khi có dấu hiệu đi đẻ, khi có cơn co dạ con rồi mới tất tả cắp nón đi sinh. Có bà cứ vừa ôm bụng vừa đi như chạy, lúc nào đau quá thì ngồi thụp xuống cho bớt đau rồi lại chạy tiếp đến trạm xá vì sợ đẻ rơi con giữa đường.
"Khi tôi có thai đến tháng thứ tám, chồng rủ đi chơi vườn thú Thủ Lệ bằng xe đạp. Hôm đó là mùng 7 Tết năm 1989. Hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp, phải đi qua đoạn đường sóc như sóc ốc gần 2 cây số. Tôi ngồi sau chồng, có lúc người nảy tưng tưng lên như sắp rơi xuống đất. Sau trận đi đường sóc đó, tôi bị đau bụng. 2h sáng hôm sau đi đẻ.
Bởi đẻ non hơn một tháng nên không kịp chuẩn bị tã cho con. Vợ xuống viện lúc 2h sáng, 3h đẻ xong. Chồng chạy cuống cuồng lên đi may tã, vì thời đó làm gì có cửa hàng bán sẵn như bây giờ. Đẻ non, con nặng có 1.8kg, bé tí như một cái ống điếu, nhăn nheo như con khỉ, không đội vừa bất cứ cái mũ nào. Ai cũng xúm vào xem con bé vì bé quá. Chồng tôi còn lắc đầu bảo “Bé thế này không biết có nuôi được không? May mắn tốt sữa nên 5 tháng, con nặng tận 9kg”, cô Lý nhớ lại.
Chỉ cách đây hơn 30 năm nhưng chuyện đi đẻ của các bà, các mẹ so với thời nay khác nhau một trời một vực. Thế mới biết sức chịu đựng của các mẹ ngày xưa thật phi thường!
Theo Thu Hà/Em Đẹp