Kể từ lúc đang yêu đương, hò hẹn, Mai (Hòa Bình) đã khốn khổ vì các chiêu thâm nho của cậu em trai người yêu. Là con trai song em trai người yêu thường xuyên soi mói, phán xét Mai từ những chuyện nhỏ nhặt như quên tắt điện đến chuyện lau bát ăn chưa khô.
Mỗi khi bắt lỗi chị dâu tương lai, cậu em phóng đại sự việc lên rất nghiêm trọng rồi lên mặt phân tích, giảng giải đủ điều. Đôi khi Mai cảm giác chính cậu em mới là mẹ chồng tương lai của mình chứ không phải ai khác.
Mai từng nhiều lần nghe bạn trai than phiền có em trai “khó tính” nhưng chưa bao giờ cô nghĩ sự việc lại quá kinh khủng như vậy, cho đến đêm tân hôn.
Đêm tân hôn, ai đời chị dâu mới về nhà chồng mà cậu em chồng xộc thẳng vào phòng tân hôn. Em chồng xộc thẳng lên phòng chị dâu mới chỉ để “bắt lỗi” chị động vào đồ trong gian bếp.
Em chồng khó chịu và cáu kỉnh bảo: “Chị mới về mà đảo lộn hết đồ đạc trong bếp là sao. Làm gì cũng phải có ý chứ. Bếp này không phải bếp riêng của vợ chồng chị".
Là đàn ông đàn ang, em còn khó chịu dặn dò chị dâu mới đủ thứ về việc giờ giấc, bếp núc, nấu nướng… ngay đêm tân hôn. Mãi đến tận hơn 22h đêm, em chồng mới chịu đi xuống nhà sau 1 hồi giảng giải không ngừng.
|
Ảnh minh họa. |
Cũng khốn khổ không kém Mai là chị Lan. Từ ngày nhà có chị dâu, cô em chồng chị Lan (Hoàng Mai, HN) bỗng trút hết việc nhà cho chị và dẫu có cố gắng đến đâu, chị dâu vẫn bị em chồng vẫn cằn nhằn, tỏ ý không hài lòng.
Chị Lan mang thai, không những em chồng không giúp còn soi xét, bóng gió chị đủ điều. Hàng ngày, cùng đi làm như nhau nhưng chị lao vào làm việc nhà trong khi em lại nhởn nhơ hết ngồi chơi game lại lượn đi chơi, ngồi chơi nhiều thì lại nằm ườn trên salon.
Nhìn cái mặt trơ như đá của em chồng khi co chân lên ghế để chị dâu bụng bầu lụi cụi lau nhà mà trong lòng chỉ muốn “xả” một trận cho hả tức. Nhưng chị lại nín nhịn vì e ngại mẹ chồng ở quê nói chị bắt nạt em chồng trên thành phố.
Nỗi lòng của chị Lan cũng là nỗi khổ của không ít các chị em từng phải sống với “giặc Ngô” bên chồng. Bực bội, lo lắng và nhiều khi là bế tắc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, để tránh tình trạng này các cô dâu mới cần có chiến lược với em chồng ngay từ ngày mới về làm dâu.
Cũng như với mẹ chồng nàng dâu, mối quan hệ em chồng chị dâu nên được cải thiện và vun đắp ngay từ những ngày đầu bạn ra mắt gia đình chàng. Hãy luôn tỏ ra bạn là một người chị thật sự, hãy tỏ rõ vai trò của mình với em cô. Điều này có ảnh hưởng tích cực tới quan hệ chị em sau này.
Và khi đã về sống chung một nhà, bạn nên là người chủ động và cố gắng thật sự để cải thiện mối quan hệ mà xưa nay vẫn được cho là đầy gai góc này.
Hãy tham khảo thêm ý kiến của những người xung quanh bạn như bạn bè, đồng nghiệp, người thân để học cách hòa hợp và đối xử tốt với em chồng.
Bạn cũng nên dành thời gian cho em chồng. Hãy thường xuyên có mặt, tặng quà hay chúc mừng em vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, Giáng sinh, lễ, tết. Hãy cùng tâm sự hay hỏi ý kiến em chồng một số việc trong gia đình chồng…
Những điều tương tự như kiểu này sẽ giúp tình cảm của bạn và em ấy ngày càng gắn kết và hiểu nhau hơn.
Một cách hữu hiệu khác để gắn kết mối quan hệ chị dâu em chồng là nhờ sự trợ giúp từ phía chồng của bạn. Hãy nhờ anh ấy tác động thêm để mối quan hệ này trở nên khăng khít hơn.
Và hãy giúp đỡ em chồng bằng hết khả năng có thể. Khi cô em của bạn cần giúp đỡ, hãy tỏ ra là người hết lòng với cô ấy, hãy làm hết khả năng mà bạn có thể. Trong trường hợp bạn không có khả năng giúp được thì hãy thể hiện bạn là người biết cảm thông, chia sẻ đối với em chồng.
Và cuối cùng, cư xử với gia đình nhà chồng thật tốt cũng là một cách hay để cải thiện mối quan hệ nhạy cảm này.
Nếu bố mẹ chồng nói riêng và gia đình nhà chồng nói chung đánh giá cao về bạn, rất hài lòng khi có một cô con dâu như bạn thì chẳng có cớ gì để những cô em chồng không ưa bạn cả.
Theo Người Đưa Tin