Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thừa cân béo phì là một vấn đề toàn cầu và tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Thừa cân và béo phì là nguyên nhân đứng hàng thứ sáu về số trường hợp tử vong trên toàn cầu. Ít nhất 3,4 triệu người lớn tử vong mỗi năm do hậu quả của tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
|
Ảnh minh hoạ |
Ước tính năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương được với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì.
Như vậy số người thừa cân béo phì (TCBP) hiện nay đã tăng gấp hơn hai lần so với năm 1980. Ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị TCBP cũng chiếm khoảng 25% dân số.
Ngoài ra, 44% gánh nặng do bệnh tiểu đường, 23% gánh nặng bệnh tim thiếu máu cục bộ và từ 7% đến 41% gánh nặng về một số bệnh ung thư là do thừa cân và béo phì.
Thừa cân béo phì liên quan trực tiếp đến đái tháo đường, tăng huyết áp và hậu quả là suy thận. Huyết áp cao và tiểu đường là nguyên nhân của 2/3 tổng số ca suy thận.
Người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mạn tính giai đoạn cuối cao gấp 2 - 7 lần người có cân nặng bình thường. Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn.
Vấn đề này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà trên thế giới, có quốc gia tỉ lệ bệnh nhân phải chạy thận bắt đầu từ nguyên nhân đái đường do béo phì chiếm đến 30 - 40%. Vì thế, khi ngăn ngừa được béo phì, tỉ lệ suy thận cũng giảm đi.
Đối với 260 nghìn người trong cả nước đang bị bệnh suy thận mạn, bác sĩ Dũng cho biết, đa số nguyên nhân là do chế độ ăn uống dẫn đến thừa cân, béo phì.
Khi thừa cân sẽ làm tăng mức lọc cầu thận, tăng áp lực thành mao mạch cầu thận, tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Với những người mắc bệnh thận mãn tính chưa lọc máu, tình trạng thừa cân, béo phì này cũng làm tăng tiến triển bệnh.
Khi đó, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nếu không có điều kiện thay thận. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy béo phì có thể gây hại cho chức năng thận trước khi các tác động tiêu cực của huyết áp cao và tiểu đường lên thận đã được khẳng định.
Nhiều bệnh nhân đã có mức albumin (chỉ số kiểm tra chức năng của thận) vượt an toàn dù họ có huyết áp, mức đường huyết khỏe mạnh. Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số khối cơ thể BMI càng lớn.
Điều đáng lo nhất, bác sĩ Dũng đưa ra những con số khiến nhiều người giật mình, đó là nếu cứ đà này, ước tính đến năm 2025, béo phì sẽ ảnh hưởng đến 18% nam giới và hơn 21% phụ nữ trên toàn thế giới. Người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mãn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần người có cân nặng bình thường.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh việc phòng chống béo phì. Theo WHO, có hai cách tiếp cận chính trong phòng chống thừa cân béo phì là phòng ngừa tăng cân và thúc đẩy giảm cân.
Phòng chống thừa cân béo phì hiện theo các nguyên tắc: Tập trung làm giảm các yếu tố môi trường đang tạo thuận lợi cho thừa cân béo phì, làm giảm các yếu tố nguy cơ tác động đến các cá nhân hay nhóm có nguy cơ; đồng thời quản lý từng trường hợp cho các đối tượng đã bị thừa cân.
5 phương pháp giảm cân chống béo phì
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Tập thể dục và các hoạt động thể thao.
- Thay đổi hành vi, lối sống
- Sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân, thuốc giảm cân
- Một số phương pháp điều trị béo phì đặc biệt
+ Đặt bóng vào dạ dày, gây cảm giác đầy dạ dày, cảm giác no và hạn chế ăn.
+ Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày làm giảm hấp thu thức ăn.
+ Khâu nhỏ dạ dày
+ Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng.
Theo P.Thúy/Infonet