|
Đau vùng thắt lưng cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, ung thư, bệnh lý tự miễn dịch. Ảnh: BVCC.
|
Ngày 5/4, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) thông tin bệnh nhân nam B.V.C. (hơn 50 tuổi) có tiền sử ung thư trực tràng đã phẫu thuật nhập viện với các triệu chứng đau lưng, khớp háng phải, đau tăng nhiều khi vận động và về đêm.
Kết quả chụp X-quang khớp háng phải của ông C. có vài ổ đặc xương và tiêu xương nhỏ các xương mặt khớp. Hình ảnh MRI có khối trực tràng ngấm thuốc mạnh sau tiêm, phù tủy xương khớp háng phải. Các bác sĩ hội chẩn kết luận bệnh nhân bị ung thư trực tràng di căn xương chậu.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Thủy, Phó trưởng Khoa Lão khoa - Cơ xương khớp, cho biết các triệu chứng này còn có thể là biểu hiện của một số căn bệnh khác. Cụ thể, một bệnh nhân cũng có triệu chứng tương tự đến khám tại cơ sở y tế này là ông H.X.L.
Bệnh nhân bị đau cột sống thắt lưng, đau tăng khi vận động, hạn chế vận động. Kết quả chụp MRI cột sống, sinh thiết xương cho thấy bệnh nhân có tổn thương viêm, áp-xe thân đốt sống do lao.
Theo bác sĩ Xuân Thủy, các đốt sống ở vùng cột sống thắt lưng có liên quan trực tiếp với tủy sống vùng đuôi ngựa và rễ thần kinh. Các tạng trong ổ bụng và tiểu khung cũng có liên quan với thần kinh ở vùng này. Với đặc điểm giải phẫu như vậy, các nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng rất đa dạng và phức tạp. Các nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng được chia thành hai nhóm chính: Cơ học hoặc là triệu chứng của một bệnh toàn thân.
Đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học (đau vùng thắt lưng thông thường) chiếm 90-95% các trường hợp đau vùng này. Biểu hiện dưới hai dạng đau thắt lưng cấp (diễn biến đau trong vòng một tuần) hoặc đau cột sống thắt lưng mạn tính (diễn biến ít nhất 3 tháng). Người bệnh cũng có thể kèm đau thần kinh tọa với biểu hiện đau thắt lưng lan mông, mặt sau đùi, cẳng chân.
|
BSCKI Nguyễn Xuân Thủy, Phó Trưởng Khoa Lão khoa - Cơ xương khớp, tư vấn cho người bệnh về bệnh lý đau vùng thắt lưng. Ảnh: BVCC.
|
Nhận biết đau thắt lưng cơ học thông qua các triệu chứng như đau tăng khi vận động, đi lại, tình trạng toàn thân không bị thay đổi; các xét nghiệm và X-quang hoàn toàn bình thường hoặc chỉ có biểu hiện thoái hóa.
Đau vùng thắt lưng lưng cơ học nếu phát hiện sớm có thể điều trị nội khoa với thuốc chống viêm, giảm đau và thuốc giãn cơ, kết hợp các động tác phục hồi chức năng để chấn chỉnh các tư thế xấu của cột sống, tránh tái phát đau cột sống thắt lưng.
"Đối với đau cột sống thắt lưng triệu chứng, bệnh nhân đau thường xuyên, không tìm được tư thế giảm đau, đau tăng về đêm, đôi khi chỉ đau nửa đêm về sáng khiến bệnh nhân thức giấc. Ngoài ra, bệnh nhân có các triệu chứng như gầy sút cân không rõ nguyên nhân, rối loạn chức năng dạ dày, ruột, sản phụ, phế quản - phổi hoặc đau ở vùng cột sống khác như lưng, cổ, sườn", bác sĩ Thủy nói.
Điều đáng nói, không ít trường hợp bệnh nhân đau vùng thắt lưng “triệu chứng” như lao xương, viêm dính cột sống, ung thư di căn… có đáp ứng thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường. Bệnh nhân thường chủ quan, không đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám sớm xác định chính xác nguyên nhân, gây tổn thương nghiêm trọng, khó phục hồi, việc điều trị khó khăn hơn.
Vị chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan với cơn đau vùng thắt lưng, không tự ý mua thuốc giảm đau, kháng viêm để sử dụng mà nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám chuyên sâu, loại trừ bệnh lý ác tính.
Theo Phương Anh/Zing