Chỉ vì vết trầy xước nhỏ trên da có thể khiến trẻ bị biến dạng khuôn mặt khi đi tắm biển. Câu chuyện nghe có vẻ khó tin nhưng có thật. Đã có trường hợp trẻ bị biến dạng khuôn mặt vì có vết xước trên da khi tắm biển.
Bài học "xương máu" cho các bà mẹ
Một cô bé 6 tuổi, sống tại Virginia (Mỹ) mới đây bị biến dạng khuôn mặt nặng nề sau khi đi tắm biển về.
Theo lời kể của mẹ cô bé, vào một ngày thứ Bảy của tháng 6/2016, bé Bella Sullivan được mẹ cho đi bơi tại Huntington Beach. Đây là bãi biển nổi tiếng đẹp, thu hút rất nhiều người đến tham quan, bơi lội, thư giãn.
|
Bé Bella Sullivan trước khi mắc bệnh (Ảnh: KDVR) |
Trước khi xuống bơi, mặc dù phát hiện gương mặt của cô bé có bị một vết trầy xước nhỏ. Thế nhưng mẹ bé vẫn cho phép con mình xuống nước bơi bình thường. Sau khi bơi xong, trở về nhà, cô bé cảm thấy ngứa ngáy rất nhiều và sợ hãi khi phát hiện ra gương mặt mình đang bị sưng tấy. Và đến ngày thứ ba, gương mặt Bella đã bị nhiễm trùng, gần như biến dạng, khiến cô bé rất đau và ngứa ngáy.
Cô Nicole Sullivan - mẹ Bella cho biết: "Tôi nghĩ con bị cháy nắng nên bôi ít lotion lên. Sáng thứ ba, Bella dậy với đôi mắt sưng húp, không thể mở mắt. Cả cơ thể con đều sưng, gương mặt, cổ và tay",
Nhận thấy tình hình sức khỏe con quá nghiêm trọng, Nicole đã đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ cho biết, Bella đã bị nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus (staph) hoặc vi khuẩn Streptococcus (strep) nhóm A trong nước gây bệnh chốc lở - một loại nhiễm trùng da.
|
Gương mặt sưng tấy của cô bé (Ảnh: KDVR) |
Mẹ bé Bella đã bày tỏ sự bức xúc, đồng thời khiếu nại đến Gary Hagy - quản lý sức khỏe môi trường tại quận Peninsula – nơi bé Bella Sullivan đã tắm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra nguồn nước, đại diện nơi này vẫn chưa thể khẳng định bé Bella nhiễm khuẩn là do nguồn nước nơi này ô nhiễm.
Mẹ Bella khuyên các bậc phụ huynh: "Khi có dự định cho con đi biển, nếu nhìn thấy bất kì vết thương hở nào trên da con, bạn hãy hoãn chuyến đi đó lại hoặc tìm cách để vết thương không tiếp xúc với nước. Tôi không muốn điều này xảy ra với những đứa trẻ khác".
Các chuyên gia cảnh báo về bệnh chốc lở vào mùa hè
Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vết thương hay côn trùng đốt hoặc xảy ra trên da bình thường. Mùa Hè ra nhiều mồ hôi nên nguy cơ chốc lở càng tăng.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Mayo Clinic, chốc lở sẽ khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu, đôi khi gây nhiễm trùng nhẹ. Nhưng khi nhiễm bệnh mà không điều trị kịp thời sẽ có thể gây nhiễm trùng máu, tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc da.
Da bị trầy xước dễ mắc bệnh
Có hai loại vi khuẩn gây chốc lở - Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là phổ biến nhất và Streptococcus pyogenes (strep). Cả hai loại vi khuẩn có thể sống vô hại trên da cho đến khi nhập thông qua một vết cắt hoặc vết thương khác và gây nhiễm trùng.
Ở người lớn, chốc lở thường là kết quả của tổn thương da - thường là do điều kiện khác về da như viêm da. Nếu nhiễm tụ cầu khuẩn, chúng có khả năng sản xuất một loại độc tố làm cho chốc lở lan rộng.
Ở trẻ em, thường bị lây nhiễm thông qua cạo, cắt hoặc côn trùng cắn, nhưng cũng có thể phát triển chốc lở mà không phải bất kỳ thiệt hại đáng kể cho da.
Vi khuẩn tụ cầu khuẩn sản xuất ra một loại độc tố là nguyên nhân gây chốc lở lan rộng cho da gần đó. Các chất độc tấn công một loại protein giúp các tế bào da liên kết với nhau. Khi protein này bị hư hỏng, vi khuẩn có thể lây lan nhanh chóng.
Tuy mọi người đều có thể bị chốc lở, nhưng trẻ em từ 2 - 6 tuổi và trẻ sơ sinh thường bị chốc lở nhiều nhất. Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hoặc chăm sóc bệnh nhân, tiếp xúc với các đồ dùng của bệnh nhân như giường, chiếu, chăn màn, quần áo rất dễ bị nhiễm bệnh. Ở những nơi tập trung đông người như chợ, lớp học, siêu thị, nhà trẻ... dễ lây lan bệnh. Thời tiết nóng ẩm mùa Hè, những bệnh nhân bị viêm da mạn tính, viêm da dị ứng, bệnh nhân đái tháo đường... là đối tượng dễ mắc bệnh.
Chốc lở có nhiều thể bệnh
Cần phân biệt mấy dạng chốc lở dưới đây:
Chốc lở truyền nhiễm là thể bệnh hay gặp nhất, có các triệu chứng: đầu tiên là một số nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng. Các nốt mụn nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Cuối cùng vảy sẽ bong ra, để lại một vết đỏ nhưng không gây sẹo. Các mụn có thể ngứa nhưng không đau. Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc.
Chốc lở dạng phỏng, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, triệu chứng là: những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường thấy ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Da xung quanh nốt phỏng đỏ và ngứa nhưng không loét. Các nốt phỏng sẽ vỡ và đóng vảy màu vàng, thường lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.
Thể mụn mủ, là thể nặng nhất, trong đó nhiễm khuẩn ăn sâu vào lớp bì, với các triệu chứng: các nốt mụn đau chứa đầy dịch hoặc mủ biến thành vết loét sâu, thường ở cẳng chân và bàn chân. Trên vết mụn có vảy dày, cứng màu vàng xám. Sưng hạch ở xung quanh vết chốc.
Biến chứng của chốc lở
Viêm cầu thận có thể phát triển sau khi bị chốc lở do liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 - 10 tuổi. Ở người lớn, các triệu chứng thường nặng hơn.
Biến chứng viêm mô tế bào: bệnh viêm đến các mô bên dưới da và lan đến hạch bạch huyết và vào máu. Nếu không được điều trị, viêm mô tế bào có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh còn gây biến chứng sẹo, nám da.
Theo Gia Đình & Xã Hội