Trong đời sống hiện đại, ước tính rằng cứ trong 2 phụ nữ lại có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thuộc tất cả các loại. Đây là cái giá của việc chúng ta tiếp xúc quá nhiều với chất độc từ môi trường. Các loại chất độc ngấm vào cơ thể, tương tác với bộ gen và thay đổi các chức năng bình thường của tế bào.
Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải chú ý đến cơ thể mình để nhận biết kịp thời sự khác biệt của bản thân. Những chỉ dẫn sau đây sẽ giúp bạn định hướng được cách kiểm tra và nhận biết cơ thể có dấu hiệu của bệnh ung thư.
Những thay đổi ở vùng ngực: Hầu hết các khối u vú đều lành tính, nhưng bạn nên đến bác sĩ kiểm tra thường xuyên các khối u này và nếu có hiện thượng như: da lõm hoặc nhăn; núm vú thụt vào bên trong; tiết dịch, tấy đỏ và đóng vẩy ở núm vú thì phải báo ngay cho bác sĩ để tìm nguyên nhân. Bạn cũng có thể làm các xét nghiệm như chụp Xquang tuyến vú hoặc sinh thiết.
Sưng, phù vùng kín. Theo TS. Marleen Meyers, nhà nghiên cứu ung thư Trung tâm Y tế NYU Langle, việc vùng kín thỉnh thoảng sưng phù là hết sức tự nhiên và có thể biến mất sau 1 hoặc 2 tuần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện sau đó, kèm theo sụt cân hoặc chảy máu thì cần phải đi khám bác sĩ. Vùng kín sưng bất thường đôi khi có liên quan tới ung thư buồng trứng. Bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra khung xương chậu cũng như các xét nghiệm máu, siêu âm để tìm nguyên nhân của vấn đề.
Thay đổi trên bề mặt da. Sự thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc của nốt ruồi hoặc những vị trí khác trên da là dấu hiệu chung của ung thư da. Hãy đến gặp bác sĩ để được khám toàn diện và có thể phải làm sinh thiết.
Có máu khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện. Cần đi khám nếu bạn đang chảy máu bất thường từ một phần của cơ thể, đặc biệt nếu chảy máu kéo dài hơn vài ngày. Phân đẫm máu thường do bệnh trĩ, nhưng cũng có thể là triệu chứng của ung thư đại tràng. Nước tiểu có máu có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư bàng quang hoặc thận.
Những biến đổi trong các hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ hình tròn (hay còn gọi là hạch) được hình thành từ các mô bạch huyết, là một phần hệ thống phòng thủ của cơ thể - hệ thống miễn dịch của bạn để loại bỏ vi khuẩn. Sưng hạch bạch huyết ở cổ, gáy, tay do nhiễm trùng, virut, vi khuẩn... là hiện tượng hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu và lympho, cũng có thể gây hạch bạch huyết. Gặp bác sĩ ngay nếu bạn có một khối u hoặc sưng tấy bất cứ nơi nào trong cơ thể của bạn kéo dài một tháng trở lên.
Gặp rắc rối khi nuốt. Thỉnh thoảng khó nuốt không có gì phải lo lắng. Nhưng khi điều này xảy ra thường xuyên, đặc biệt là khi kèm theo nôn mửa hoặc giảm cân, bác sĩ có thể sẽ chỉ định kiểm tra ung thư họng hoặc ung thư dạ dày. Sau đó, căn cứ vào các triệu chứng thông qua khám cổ họng và chụp Xquang sẽ đưa ra hướng tư vấn và điều trị.
Giảm cân bất thường. Hầu hết phụ nữ đều muốn giảm cân. Nhưng mất 10kg hoặc nhiều hơn mà không có sự thay đổi trong chế độ ăn uống hay do thói quen tập thể thao có thể báo hiệu có vấn đề sức khỏe. Đa phần việc giảm cân không chủ đích như trên không phải là ung thư mà có thể do căng thẳng hoặc do tuyến giáp của bạn có vấn đề. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tụy, dạ dày và phổi.
Chứng ợ nóng. Ăn quá nhiều thực phẩm, rượu hoặc căng thẳng, hoặc do cả ba nguyên nhân có thể gây ra chứng ợ nóng nghiêm trọng. Bạn nên thay đổi chế độ ăn uống trong một hoặc hai tuần để xem liệu các triệu chứng của bạn có tốt hơn hay không. Nếu không thuyên giảm, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Chứng ợ nóng không biến mất hoặc trầm trọng hơn có thể gây ung thư dạ dày, cổ họng, hoặc buồng trứng.
Ho. Hầu hết các cơn ho sẽ tự biến mất trong 3-4 tuần. Đừng bỏ qua khi ho kéo dài lâu hơn thế, đặc biệt nếu bạn hút thuốc hoặc hụt hơi. Nếu bạn ho ra máu, hãy đi khám bác sĩ. Ho là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi.
Đau mỏi.
Ung thư không phải là nguyên nhân gây đau nhức nhiều nhất. Nhưng cơn đau liên tục có thể báo hiệu bệnh ung thư xương, não hoặc các loại ung thư khác. Tư vấn bác sĩ về bất kỳ chứng đau không rõ nguyên nhân kéo dài một tháng hoặc lâu hơn.
Đau vùng chậu. Đau vùng chậu có biểu hiện đặc trưng là đau hay tức bụng dưới rốn. Phụ nữ thường gặp phải những cơn đau dai dẳng và không dứt vào trước chu kì kinh nguyệt. Đau vùng chậu có liên quan mật thiết với ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư ống dẫn trứng và ung thư âm đạo.
Sưng vùng bụng, đầy hơi. Dấu hiệu này là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư buồng trứng. Nó cũng là một triệu chứng dễ bị chúng ta bỏ qua nhất vì nhiều người lầm tưởng chúng là dấu hiệu của các vấn đề về tiêu hóa. Khi bệnh trở nên trầm trọng hơn, triệu chứng đầy hơi sẽ kéo dài và nghiêm trọng. Kích thước của dạ dày sẽ lớn hơn và các triệu chứng khác sẽ xuất hiện. Nếu điều này xảy ra, bạn phải ngay lập tức đi khám bác sĩ.
Trong số các bệnh ung thư đường sinh dục nữ, ung thư biểu mô buồng trứng khó có thể ngăn ngừa và chữa trị nhất vì bệnh này hiếm khi có các triệu chứng hoặc dấu hiệu sớm. Triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi ung thư đã vào giai đoạn cuối. Vì vậy, khi thấy có những thay đổi bất thường vùng bụng, hãy lưu tâm và đi kiểm tra càng sớm càng tốt để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Đau lưng dưới. Bạn có dấu hiệu đau lưng, lúc đầu đau với tần suất ít, càng ngày cơn đau càng tồi tệ hơn, rất có thể đó là một dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng. Ung thư buồng trứng có thể gây ra đau lưng dưới, khi bệnh càng nặng thì cơn đau càng tăng lên và nghiêm trọng hơn.
Chảy máu âm đạo bất thường. Chảy máu âm đạo bất thường là triệu chứng phổ biến nhất của các bà mẹ khi gặp phải bệnh ung thư phụ khoa nào đó. Giai đoạn nặng, chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt và chảy máu trong - sau khi quan hệ tình dục đều được coi là chảy máu âm đạo bất thường và là triệu chứng của ung thư phụ khoa. Các triệu chứng của chảy máu âm đạo bất thường có liên quan đến ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng.
Sốt dai dẳng. Nếu bạn bị sốt lâu ngày không khỏi hoặc kéo dài hơn 7 ngày, hãy lập tức đi kiểm tra ngay để chẩn đoán bệnh tật. Những cơn sốt “cứng đầu” có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng một cơn sốt cũng là một triệu chứng của nhiều bệnh lành tính khác.
Mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Mệt mỏi là trạng thái mà hầu hết mọi người đều gặp phải, đặc biệt khi quá bận rộn đối với phụ nữ ngày nay. Tuy nhiên, nếu đã có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí mà nhiều khi chúng ta vẫn thấy cơ thể mệt mỏi bất thường thì đừng nên chủ quan. Mệt mỏi là một trong những triệu chứng ung thư thường gặp nhất. Nó thường xuất hiện phổ biến khi ung thư đã phát triển, nhưng cũng vẫn có thể xảy ra trong giai đoạn đầu.
Đừng phớt lờ những thay đổi và những gì bạn đang cảm thấy trong cơ thể của chính mình. Điều này luôn tốt trong việc loại trừ sớm các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ngay cả bệnh ung thư, nếu được chẩn đoán sớm, khả năng chữa khỏi cũng là rất lớn.
Theo Hằng Thanh/ Đời sống pháp luật