Chủ quan với chứng khó nuốt
Ông N.V.T (52 tuổi, quê Nam Định) đang điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) đã xạ 21 mũi để thu nhỏ u thực quản.
Người đàn ông này vốn khỏe mạnh, chưa từng phải đi viện. Cách đây 3 tháng, ông T. có dấu hiệu nghẹn khi ăn. Nuốt khó, ông chuyển sang các món mềm, loãng hơn. Ông cho rằng ăn khó do thời tiết thay đổi, người mệt, không nghĩ đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh ác tính.
Tháng trước, tình trạng nghẹn nặng, uống nước cũng khó, ông T. mới chia sẻ với vợ. Hai vợ chồng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định kiểm tra. Bác sĩ tiến hành nội soi cho ông T. nhưng không thể đưa ống nội soi vào sâu do có u thực quản bít tắc. Bác sĩ nghi ngờ ông T. có u loét thực quản, theo dõi ung thư nên giới thiệu chuyển Bệnh viện K.
Tại đây, sinh thiết giải phẫu bệnh ghi nhận là ung thư biểu mô thực quản. Vì khối u to nên bác sĩ phải mở thông dạ dày cho ông T. để chuyển qua ăn xông. Theo phác đồ, bệnh nhân cần xạ trị trước để thu nhỏ khối u.
Theo người nhà, hằng ngày ông T. thích uống rượu, mỗi bữa ăn sẽ kèm 1 cốc 150ml rượu quê. Thói quen này là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư thực quản.
|
Bác sĩ kiểm tra hạch cổ cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện K. |
Trường hợp khác là ông Đ.Q.V (59 tuổi, trú tại Thái Bình) đang điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) do ung thư thực quản giai đoạn muộn. Ông V. cho biết ông có dấu hiệu nuốt nghẹn, cơ thể đột nhiên gầy rộc.
Ông V. cho rằng mình bị trào ngược dạ dày và ngại đi khám. Hai tháng sau, ngoài triệu chứng nuốt nghẹn, ông còn bị đau tức ngực, được con trai đưa đi bệnh viện. Kết quả khám cho thấy, nội thực quản u che lấp 3/4 chu vi, nằm ở 1/3 dưới và rải rác tế bào bất sản ở giữa. Ngoài ra, tế bào ung thư đã di căn hạch ở tuỵ, rốn lách và một khối u rất nhỏ ở cổ. Ông V. có tiền sử uống rượu vặt, hút thuốc lá nhiều. Bác sĩ chỉ định 30 mũi xạ trị kèm hóa chất và mở thông dạ dày ăn bằng đường bơm xông.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh ác tính
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, thực quản dài khoảng 25cm, là một phần của ống tiêu hóa, chia làm ba đoạn trên, giữa, dưới.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 600.000 trường hợp mắc mới ung thư thực quản. Tại Việt Nam, ung thư thực quản đứng hàng thứ 9 trong số 10 loại ung thư gây tử vong nhiều. Đây là loại ung thư đường tiêu hóa nguy hiểm nhất.
|
Bác sĩ Bệnh viện K nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Ung thư thực quản chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng các thói quen tăng nguy cơ là uống rượu, hút thuốc lá, ăn thực phẩm chứa nitrosamin, nhiều dầu mỡ.
Những người mắc các bệnh trào ngược dạ dày thực quản, barrett thực quản, nhiễm HPV, hội chứng Bloom, thiếu máu Fanconi dễ mắc bệnh này hơn.
Bác sĩ Nam cho biết ở giai đoạn đầu, triệu chứng của ung thư thực quản không rõ ràng. Bệnh nhân có thể có cảm giác thức ăn dính, khó nuốt, nhưng vẫn nuốt được nếu nhai kỹ. Một số người có cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức.
Ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, người bệnh có biểu hiện nghẹn thức ăn, bít tắc khó nuốt, sụt cân, thiếu máu, xanh xao do khó ăn và khối u phát triển. Giai đoạn ung thư xâm lấn rộng, họ bị trào ngược nước bọt và thức ăn. Một số bệnh nhân có khối u xâm lấn dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng.
Trường hợp muộn có thể rò khí quản do ung thư xâm lấn trực tiếp từ lòng thực quản vào lòng khí quản. Bệnh nhân ho không kiểm soát được và thường xuyên viêm phổi. Thời gian sống thêm của những bệnh nhân này chỉ dưới 4 tuần.
Bác sĩ Nam cho rằng việc phát hiện ung thư thực quản không khó. Bác sĩ nội soi ống tiêu hóa và bấm sinh thiết khu vực tổn thương để làm giải phẫu bệnh. Có thể phân biệt với các bệnh lành tính ở thực quản như co thắt tâm vị, túi thừa thực quản, nuốt nghẹn do rối loạn tâm thần, viêm hẹp do trào ngược dạ dày.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Với ung thư thực quản giai đoạn sớm, các liệu pháp điều trị gồm phẫu thuật cắt thực quản, hóa xạ đồng thời.
Để phòng bệnh, bác sĩ Nam khuyến cáo cộng đồng không hút thuốc lá; hạn chế rượu bia và các loại thức ăn lên men, chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp... Xây dựng lối sống khoa học như duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục, ăn nhiều rau xanh và nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu triệu chứng nuốt nghẹn, khó nuốt kéo dài hơn 1 tuần nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Theo Phương Thuý/ Vietnamnet