Hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nôn trớ, nhất là khi trẻ ăn hay bú quá no. Đây được cho là một sinh lý thường gặp không đáng ngại ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, khi nôn trớ diễn ra thường xuyên ngay cả lúc không quá no hay nôn trớ ngay khi thay đổi tư thế đột ngột thì bố mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
|
Cha mẹ cần phân biệt rõ trẻ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý hay bệnh lý. |
Trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể bắt đầu từ hai nguyên nhân: Bệnh lý và sinh lý. Cha mẹ cần phải hiểu rõ dấu hiệu của từng loại để có thể có biện pháp điều trị đúng cho con.
Bệnh lý: Thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi với các dấu hiệu như nôn trớ nhiều lần trong ngày. Nguyên nhân của bệnh là trẻ mắc dị tật bẩm sinh như thoát vị cơ hoành, sa dạ dày làm cho cơ thắt thực quản dưới của trẻ yếu và đẩy thức ăn trào lên thực quản.
Sinh lý: Thường gặp với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Biểu hiện duy nhất là nôn trớ sau khi bú hay do trẻ ăn quá no hoặc cơ thể phản ứng với một loại thực phẩm nào đó. Trẻ mắc chứng trào ngược dạ dày sinh lý vẫn khỏe mạnh và phát triển thể chất bình thường.
Nên làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?
Đối với những trẻ đang bú mẹ thì có thể tiếp tục cho con bú. Nếu như con đã ăn dặm, mẹ có thể chuyển sang chế độ dinh dưỡng dạng đặc hơn.
Nếu con bú sữa ngoài, mẹ có thể làm cho sữa đặc hơn bằng cách thêm một muỗng bột gạo vào 60-120ml sữa. Tuy nhiên phương pháp làm đặc thức ăn không nên áp dụng cho trẻ sinh non dưới 37 tuần. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sữa bột thủy phân hoặc sữa tăng độ quánh đã chế biến sẵn, cha mẹ có thể tham khảo để mua cho trẻ.
Không cho trẻ ăn thức ăn chứa nhiều chất béo. Nếu trẻ nôn nhiều, hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ để có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho con.
Hậu quả của việc trào ngược thực quản lâu dài
Các biến chứng có thể thấy ngay ở cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản. Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống của bé, lâu dài sẽ dẫn đến tiền ung thư thực quản. Bị trào ngược lâu dài cũng ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, nuôi chậm lớn, chậm tăng cân.
Mi Trần (ghi theo VOV2)