Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết ông đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm sán dây lợn do ăn phải thịt lợn có nang sán.
Bác sĩ Đề cho biết bệnh nhân là ông Nguyễn Văn C. quê ở Nghệ An. Ông C. gần đây thấy đau đầu, đầu giật dữ dội, có khi ông lăn ra như người bị động kinh. Gia đình cho biết ông không có tiền sử bệnh động kinh. Ông C. đi khám ở nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Ông đã xác định sống chung với bệnh nhưng vì đau quá không chịu được.
Có lúc, ông còn nghĩ mình sẽ chết. Một lần con ông C tình cờ đọc được bài báo về ký sinh trùng sán lợn gây động kinh, gây các bệnh không lý giải được nên ông C. được con đưa ra Hà Nội tìm giáo sư Đề để chữa bệnh. Bằng các biện pháp chuyên môn của mình, giáo sư Đề xác định ông C bị sán lợn “đóng đô” ở não. Ông C. được bác sĩ chỉ định cấp cứu điều trị sán não vì bệnh khá nguy hiểm, điều trị khó khăn.
Trường hợp của ông Vũ Văn Thực trú tại Hải Hậu, Nam Định cũng tương tự. Ông Thực bị sán dây lợn ký sinh ở mắt gây đau mắt, giảm thị lực. Ông đi soi đáy mắt ở bệnh viện mắt bác sĩ nghi ký sinh trùng nên gửi sang bên phòng khám của giáo sư Đề chữa.
Giáo sư Đề cho biết có nhiều trường hợp hỏng mắt vì sán ký sinh ở mắt nhưng không biết. Sán dây lợn cũng là loại sán nguy hiểm, chúng gây tác hại đặc biệt là ở não cho người nhiễm sán.
Giáo sư Đề phân tích, ấu trùng sán lợn là ấu trùng của sán dây lợn Taenia solium. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột người, sán dài từ 4 đến 12 mm gồm 900 đốt, chia làm 3 phần. Ấu trùng này có vật chủ trung gian là lợn và thường trú ngụ ở cơ và não của lợn hay còn gọi lợn gạo. Vì thế, nếu gặp lợn gạo, ăn lợn gạo chưa chín kỹ có thể mắc bệnh này.
|
Hình ảnh nang sán trong thịt lợn. |
Đường đi của sán dây lợn
Bệnh ấu trùng sán lợn ở người do ăn phải trứng sán dây lợn dưới dạng lợn gạo. Nang ấu trùng sán dây lợn hình bầu dục, màu trắng đục chứa dịch trắng đục, đầu sán với 4 giác bám, 2 vòng móc, ấu trùng sán lợn ở lợn có kích thước 0,3 mm, sau gây nhiễm 6 ngày kích thước lên đến 6-9mm sau gây nhiễm 60 -70 ngày và lên đến 8 - 15 mm sau 6 tháng đến 1 năm nhiễm. Nang ấu trùng sán lợn ở người dài hơn ở lợn, nang sán tập trung thành chùm như chùm nho, kích thước đến 10 - 20 cm chứa tới 60ml dịch. Nang ấu trùng sán lợn ký sinh dưới màng nhện của não có kích thước tới 10 - 15 cm. Một vật chủ có thể nhiễm tới hàng trăm ấu trùng
Sau khi ăn phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày và ruột, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ vân, ở não, ở mắt. Những người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn từ môi trường ngoài thường có ít nang trừ trường hợp ăn phải cả đột sán. Những người có sán dây lợn trong ruột, khi đốt già rụng do nhu phản nhu động ruột mà đốt sán trào ngược lên dạ dày và lúc này giống như là ăn phải trứng sáng dây lợn với số lượng vô cùng lớn nên số nang ở người cũng rất nhiều, có người không đếm nổi.
Tác hại của sán dây lợn đó là ấu trùng sán lợn ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Triệu chứng nhiễm sán: Giáo sư Đề cho biết tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng mà gây ra các triệu chứng đau khác nhau. Ví dụ sán ở não gây ra các rối loạn chức năng khác nhau như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, có những cơn nhức, đau đầu dữ dội. Tại mắt gây ra các triệu chứng chèn sép sau nhãn cầu như tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị. Tại cơ vân, xuất hiện những nang dưới da kích thước từ 0,5 đến 2cm di động dễ, không ngứa, thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực, thường gây máy giật cơ.
Giáo sư Đề nhấn mạnh khi có bệnh phải điều trị nhanh, nếu muộn điều trị rất khó khăn và phức tạp. Điều trị sán dây lợn phải ở nơi có điều kiện cấp cứu tốt, bác sĩ chuyên khoa theo dõi.
Để phòng bệnh, giáo sư Đề khuyên người dân không ăn rau sống, không uống nước lã và quản lý phân thật tốt, nhất là phân người nhiễm sán dây lợn.
Theo Infonet