Đau đầu chuyện mẹ chồng nàng dâu: Bên tình, bên hiếu, chọn ai?

Google News

Anh chị ly hôn trong lặng lẽ, khi con trai gần 3 tuổi và cuộc sống vợ chồng mới chớm bước sang năm thứ 4. Cuộc hôn nhân ngỡ hạnh phúc, giờ chỉ còn là nỗi oán hận trong lòng nhau.

Anh chị đến với nhau bởi tình yêu đẹp với 6 năm yêu nhau. Họ cùng nhau bước qua giảng đường đại học, rồi bên nhau trong những chuyến du lịch trải nghiệm. Trong thời gian yêu nhau, họ cũng có lúc cãi vã nhưng bằng sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, anh chị vẫn vượt qua những khó khăn để đến với nhau bằng một đám cưới thật hạnh phúc.
Sau một năm kết hôn, trái ngọt của anh chị là cậu con trai chào đời. Ngày được bế thiên thần đáng yêu, bé nhỏ trong tay, anh chị không giấu nổi niềm hạnh phúc, những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má. Đứa con là sợi dây gắn kết gia đình, để vợ chồng anh cùng vun vén hạnh phúc.
Dau dau chuyen me chong nang dau: Ben tinh, ben hieu, chon ai?
(Ảnh: minh họa) 
Nhưng đâu phải cuộc sống đều màu hồng như mong ước, bố anh đột ngột ngã bệnh, vợ anh mới sinh con, còn yếu, còn mẹ anh phải cáng đáng một lúc nhiều công việc gia đình. Thương bố mẹ, thương vợ con, anh tranh thủ công việc ở cơ quan xong lại tất bật về nhà sớm để đỡ đần việc nhà giúp mẹ, chăm vợ con. Cuộc sống dù vất vả, khó khăn nhưng anh không bao giờ than vãn nửa lời. Cứ ngỡ, mọi sự cố gắng của anh cũng như sự thấu hiểu của mọi người trong gia đình thì cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc, nhưng không hẳn như vậy.
Những lúc anh đi làm, chị ở nhà chăm con, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu xuất hiện từ những việc nhỏ nhặt nhất. Mẹ chồng chăm bố chồng bị bệnh, chị bận bịu chăm con nên đôi lúc nhà cửa bừa bộn, chưa kịp dọn dẹp. Bà tỏ vẻ không hài lòng nhưng không nói ra, mà lại sang nhà hàng xóm đưa chuyện con dâu lười biếng, không lo bếp núc, nội trợ, cả ngày chỉ ôm con chờ chồng về phục vụ... Rồi vấn đề kinh tế, vợ chồng chị ăn chung với ông bà, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào khoản lương làm chính, làm thêm của anh. Hàng tháng, mẹ anh yêu cầu con trai đưa thêm tiền để lo thuốc thang cho bố, khoản tiền đưa cho vợ chi tiêu hàng ngày theo đó ít lại. Vợ anh không hiểu, luôn trách chồng không quan tâm tới vợ con, đưa tiền chi tiêu không đủ. Cứ thế mọi khúc mắc cứ nhân lên mà mẹ và vợ anh không bên nào chịu thấu hiểu nhau.
Mỗi ngày đi làm về, anh đứng giữa nghe mẹ và vợ "tố cáo" nhau, không biết phân xử thế nào cho đúng. Dần dần, gia đình không còn là chốn bình yên mà trở thành địa ngục đối với anh mỗi khi hết giờ làm mệt mỏi trở về nhà. Thương mẹ, thương vợ nhưng anh luôn động viên vợ trước: “Mẹ già lại đang chăm bố bị bệnh nên em cố gắng chăm con, anh sẽ sắp xếp công việc cơ quan về sớm hơn chút để về nhà đỡ em và chơi với con”. Mặt khác, anh lại cố nhẹ nhàng bảo mẹ rằng: “vợ con cũng áp lực vì thức đêm chăm cháu, mẹ chia sẻ để hai mẹ con hiểu nhau nhiều hơn”. Nhưng hai người phụ nữ ấy không thấu hiểu anh mà cố hơn thua nhau hàng ngày khiến anh không biết xử trí ra sao cho phù hợp cả đôi đường. Lúc nào anh cũng phải đối với diện với câu hỏi: Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn?
Đỉnh điểm có lần, vì trục trặc vấn đề kinh tế, anh chị đã cãi nhau. Trong lúc nóng giận, anh không kiềm chế được, giơ tay tát chị, mặc kệ đứa con đang kêu khóc. Lần này, giọt nước đã tràn ly, anh chị không ai chịu nhường ai một câu, và không cho nhau cơ hội giải thích. Trong đêm, chị bắt taxi về nhà mẹ đẻ cùng con trai. Anh đứng đó, đau đớn tột cùng mà không thể thốt ra lời xin lỗi để giữ vợ con ở lại.
Bố mẹ đẻ chị biết chuyện, cố gắng khuyên giải hai người, nhưng cái tôi quá lớn khiến họ không thể ngồi lại với nhau dù một lần để nhìn nhận vấn đề. Chị viết đơn ly hôn, anh đồng ý ký ngay. Họ lẳng lặng ly hôn trước sự bất ngờ của tất cả mọi người. Nguyên nhân là anh không thể giải quyết được vấn đề bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.
Theo Sái Thị Hường/Báo Phụ Nữ Thủ Đô