Đằng sau thức uống có một không hai ở Sài Gòn

Google News

Ca cao đá chấm bánh mì được nhiều thực khách đánh giá là thức uống có một không hai ở Sài Gòn.

Thức uống có một không hai ở Sài Gòn
Chúng tôi có mặt ở quán ca cao Bà Tám - bên trong chung cư Chợ Quán đường Trần Bình Trọng (phường 1, quận 5, TP.HCM). Quán ở một góc chung cư, nằm dưới tán cây dù, bắt đầu mở hàng từ 7 giờ sáng. Nơi đây chỉ một món duy nhất và lạ nhất là ca cao đá chấm bánh mì.
Đây là loại thức uống theo người bán có nguồn gốc từ Campuchia bởi trong ca cao có pha thêm đường thốt nốt, loại đường lấy từ loài cây cùng tên.
Dang sau thuc uong co mot khong hai o Sai Gon
 Quán bán từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Vào giờ tan trường, học sinh các trường lân cận ghé vào thưởng thức rất đông. Ngồi trên chiếc ghế thấp, khách khuấy nhẹ, xé một mẩu bánh mì bỏ vào ly rồi dùng muỗng múc ăn.
Mẩu bánh mì chứa đầy ca cao ngọt lịm đó dường như có sức hấp dẫn đặc biệt. Hết nhóm này đến nhóm khác, nhóm nào cũng thế, cứ gọi: "Má Tám ơi... ".
Bà Tám làm không ngơi nghỉ. Bà múc một vá ca cao đặc chế vào chiếc ly đầy đá. Thêm một muỗng ca cao loãng và nếu cần một chút sữa nữa là có một ly ca cao ngon lành. Bà mang cho khách kèm theo một ổ bánh mì.
"Thức uống rất ngon", những người đến thưởng thức ca cao của bà Tám đều nói thế. Linh Thùy, sinh viên một trường đại học, cho biết: "Em từ Nha Trang vào nhập học được một tháng nay. Lần đầu bạn bè rủ đến uống ca cao của bà Tám, em mê luôn từ đó. Chỉ trong một tháng, em đã 4 lần đến đây".
Dang sau thuc uong co mot khong hai o Sai Gon-Hinh-2
Giới trẻ rất mê món ca cao chấm bánh mì. 
Không riêng gì giới học sinh sinh viên, những người lớn tuổi cũng "ghiền" thức muống này. Ông Nguyễn Vinh, 50 tuổi, chủ một tiệm karaoke lớn trên đường Trần Hưng Đạo, bày tỏ: "Tôi biết được quán bà Tám do một lần tình cờ vào khu vực chung cư thăm một người bạn cũ. Người bạn rủ tôi ra quán và được thưởng thức món ca cao độc đáo này.
Có thể nói, tìm cả Sài Gòn không nơi nào có. Vì thế, thỉnh thoảng tôi ghé lại. Ngồi ở đây, một quán xập xệ ven đường nhấp ngụm ca cao. Thức uống này ngọt có đắng có, giống như sự đời mình đã trải qua rất thú vị".
Đúng như lời ông Vinh nói, nhiều người cũng xác nhận, món ca cao chấm bánh mì chỉ có duy nhất ở quán bà Tám. Tuy nhiên, hỏi về ca cao của quán nữ chủ quán đều từ chối trả lời.
"Không riêng gì anh, nhiều người trong đó có cả phóng viên đài truyền hình xin được quay quá trình tôi chế biến cốc ca cao nhưng tôi đã từ chối", bà Tám khẳng định.
Đời người gian truân của nữ chủ quán
Bà Tám tên thật là Nguyễn Thị Hòa, 64 tuổi. Bà kể: "Tôi vất vả từ nhỏ. Khi lấy chồng không có nhà cửa, chúng tôi phải về khu vực này ở nhờ nhà chị chồng.
Căn nhà ở khu ổ chuột, dù nhỏ nhưng có đến mười mấy người chen chúc. Năm 1987, xảy ra hỏa hoạn đúng vào đêm giao thừa, căn nhà cũng cháy rụi. Chung cư này được xây dựng sau trận hỏa hoạn đó".
Dang sau thuc uong co mot khong hai o Sai Gon-Hinh-3
Bà Nguyễn Thị Hòa bên quán ca cao. 
Bà kể tiếp: "Ban đầu tôi bán bún nhưng bán từ sáng đến tối cũng không đủ nuôi 2 vợ chồng và 3 đứa con.
20 năm trước, chồng tôi về quê ở huyện Tân Thạnh (Long An) để trồng mía. Trong một lần thu hoạch, tiếc một cây mía nằm ở bìa ruộng ông cố gắng nhổ. Cây mía bật gốc kèm theo tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Thì ra dưới gốc mía có một quả mìn còn sót lại, nổ tung làm ông mù cả đôi mắt.
Chồng thành người tàn tật, 3 con còn nhỏ, tôi vừa bán canh bún vừa phụ cho bà Ba bán ca cao ở kế bên. Không may, một lần bưng nồi nước canh đang sôi, tay tôi bị bỏng nặng phải nằm viện hơn một tháng.
Thời gian này, cả nhà tôi điêu đứng. Chồng tôi tuy bị mù nhưng thấy vợ như thế nên ông quyết tâm về quê giăng lưới bắt cá. Nhờ đó chúng tôi lo được phần nào cho cuộc sống... ".
Bà Hòa lại tiếp tục bán canh bún. Nhưng một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi cuộc sống của bà. Theo đó, bà Ba bán ca cao bên cạnh muốn nghỉ ngơi. Bà ngỏ ý sẽ truyền lại nghề chế biến ca cao cho bà Hòa.
"Bà Ba không truyền nghề cho bất cứ ai, kể cả con cháu vậy mà bà lại truyền cho tôi. Tôi theo bà học nghề trong một thời gian dài nhưng bà cũng không chỉ hết các bí quyết.
Tôi nắm được phần căn bản rồi sau đó mày mò để hoàn chỉnh sản phẩm. Có lẽ cũng vì thế mà nghề này không phổ biến rộng rãi. Bà Ba nghỉ, tôi tiếp tục sự nghiệp của bà đến hôm nay".
Cũng vì thế khi phóng viên đài truyền hình đề nghị xin được quay lúc bà Hoa chế biến, bà dứt khoát không đồng ý. Bất cứ ai hỏi về phương thức điều chế món ca cao này bà đều từ chối trả lời.
"Tôi luôn giữ phần chế biến không cho bất cứ ai tham gia vào, kể cả các con tôi. Sống để dạ chết mang theo, tôi tâm nguyện như thế bởi cái nghề này đã nuôi mình, gia đình mình mấy chục năm nay rồi", bà chủ quán chia sẻ.
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet