Tháng 11/2015 bộ luật dân sự về việc cho phép người chuyển giới được thay tên đổi họ và nhân thân đã được nhà nước thông qua. Tuy nhiên, sau đó người chuyển giới vẫn đang phải trải qua những câu chuyện dở khóc, dở cười.
Tâm sự với PV VTC News, những người chuyển giới đã kể những nỗi đắng cay trong cuộc đời mà họ từng phải trải qua khiến ai cũng phải xót xa, thương cảm.
Khác với người đồng tính, người chuyển giới có sự thể hiện rõ ràng hơn nên người ngoài có thể dễ dàng nhận thấy sự “khác biệt” của họ. Cũng chính vì vậy người chuyển giới thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sống thật với giới tính của mình.
|
Nếu không nhìn giấy tờ tùy thân thì mọi người khó biết những người trong hình mang giới tính nữ. |
Bị lôi ra làm trò hề trước lớp học
Khi thể hiện giới ra bên ngoài bằng cách ăn mặc, đầu tóc người chuyển giới gặp không chỉ vướng mắc với sự kỳ thị của xã hội mà với chính cả người thân của mình.
Bạn Louis Vũ (TP. HCM) tâm sự: “Lúc có bầu mẹ tôi tưởng sẽ sinh con trai, nên đến khi tôi chào đời mẹ rất bất ngờ. Từ nhỏ tôi đã nghịch ngợm, chơi đùa toàn với con trai thôi. Đến khi đi học đại học tôi cắt phăng mái tóc dài đi, thay vào đó là kiểu undercut thịnh hành, mẹ tôi đã không hài lòng”.
Mỗi lần cắt tóc về nhà Louis đều phải nghe những câu trách mắng, phản ứng rất gay gắt từ mẹ của mình, thậm chí bị đánh đuổi. “Có lần mẹ nói không muốn nhìn mặt tôi nữa, không cần có một đứa con như tôi vì làm mẹ xấu hổ với họ hàng. Những lúc như thế tôi chỉ biết khóc thầm thôi”, Louis chia sẻ.
Không chỉ có trong gia đình kỳ thị, việc đến trường đối với họ cũng là một điều kinh khủng. Một bạn chuyển giới giấu tên chia sẻ: “Em rất ngán áo dài nên luôn tìm cách trốn không mặc. Nhưng có một số thầy cô trong trường không chấp nhận mà cứ nói móc mỉa, thậm chí là kỳ thị rồi lôi ra làm trò cười cho lớp”.
Tương tự, bạn AP Phạm ở Hà Nội hài hước kể: “Hồi xưa mới vô nhập học, cô giáo mình có vỗ vai bảo: “lớp cô trước đây có một bạn giống con, cô khuyên bảo bạn ấy để tóc dài thế là bạn ấy cũng nghe lời đấy, từ nay hứa với cô không được cắt tóc nữa nhé”.
Từ đấy cô hay để ý soi xét xem tóc mình có ngắn đi phân nào không. Có thời gian do mùa đông nên mình để tóc dài ra một xí thì được khen trước lớp là xinh gái, dễ thương. Hôm sau mình đi cắt đầu đinh, từ đó cô không còn cười hay nói câu nào với mình nữa, lúc nào cũng nhìn mình lườm lườm rồi lạnh tanh. Có lần mình nghe các cô nói với nhau: “nó học cũng tốt, thông minh nhưng mỗi tội không phải con gái bình thường, tiếc quá”.
Nhưng có lẽ đó chưa phải là tất cả những điều mà một người chuyển giới gặp phải trong hành trình sống thật với giới tính của mình. Nhật Nam – một chuyển giới nam kể, trong một lần đi làm lại giấy chứng minh, khi đang ra xã ký giấy thì bị công an viên ở đây hỏi: “Gái mà nhìn như trai vậy? Bê đê hả?”. Tới lúc đọc tên tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về hướng cậu ngồi kèm theo đó là tiếng xì xào to nhỏ.
Gian nan tìm việc
Người chuyển giới còn gặp không ít khó khăn trong vấn đề tìm kiếmviệc làm, đặc biệt là người chuyển giới công khai.
Một nhóm nghiên cứu gần đây đã đưa ra số liệu về vấn đề việc làm của người chuyển giới, theo đó có sự khác biệt về vấn đề việc làm của người chuyển giới. Hơn 30% tham gia nghiên cứu cho biết đã từng nghỉ việc do là người chuyển giới. Hơn một nửa số này đã từng phải nghỉ việc từ hai lần trở lên.
Gần 50% người chuyển giới có thu nhập chính từ một công việc hoàn toàn bán thời gian, 21 % có tích lũy, 28% đủ chi tiêu, 25% có thu nhập nhưng không đủ chi tiêu và khoảng 26% hoàn toàn không có thu nhập.
Cuộc sống của những người chuyển giới công khai có công việc ổn định cũng vất vả tương tự. Họ luôn phải chịu nhiều áp lực và có thể thiệt thòi hơn đồng nghiệp không phải chuyển giới có cùng năng lực. Số người chuyển giới làm việc ở các lĩnh vực tự do và phi chính thức như cửa hàng ăn uống, quán cà phê, bar…nhiều hơn số người làm ở các công ty, văn phòng chính thống.
|
Trần Ngọc Lê chia sẻ câu chuyện đắng cay của mình tại một hội thảo định hướng xây dựng luật cho người chuyển giới tại Huế. |
Ngoài ra, những người chuyển giới gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng do chứng minh thư nhân dân hay tên không phù hợp với ngoại hình. Áp lực đối với việc tuyển dụng người chuyển giới có thể đến từ khách hàng, hay các đối tác của cơ quan tuyển dụng.
N.B.M – một chuyển giới nam đã sử dụng hoocmon để thay đổi cơ thể chia sẻ: “Hồi mình có đăng ký tuyển dụng việc làm, lúc đăng ký thật thà ghi giới tính nữ. Họ đã duyệt hồ sơ và đồng ý nhận vào làm việc, đến khi mình đến thử việc thì họ từ chối nhận với lý do là ngoại hình không phù hợp”.
Trần Ngọc Lê (giảng viên ĐH Công nghiệp Đồng Nai) chia sẻ: “Vì đang ở trong môi trường sư phạm nên mình luôn tuân thủ các quy định của nhà trường mà không thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng buồn vì nếu lỡ có tranh cãi với ai họ luôn lấy chuyện giới tính ra để nói. May mắn cũng có nhiều thầy cô, sinh viên của mình hiểu và rất tôn trọng”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn tìm kiếm việc làm và sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc nhưng nhiều người chuyển giới có bằng đại học luôn muốn làm ở các công ty để chứng tỏ bản thân trong môi trường chuyên nghiệp. Họ cho rằng, việc là người chuyển giới có tác động tích cực đế cuộc sống của họ, dạy họ phải tin tưởng vào bản thân, có tham vọng và bền chí hơn.
Theo VTC