- Theo các nhà khoa học Mỹ, những người đàn ông đến 30 tuổi bị hói đầu sẽ ít nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học Đại học Y Washington (Mỹ) đã nghiên cứu 2.000 người đàn ông từ 40 đến 47 tuổi, một nửa trong số đó bị ung thư tuyến tiền liệt và đi đến kết luận nam giới có lượng hormone testosterone cao sẽ rụng tóc sớm, nhưng đồng thời cũng giảm nguy cơ xuất hiện các khối u.
Theo đó, những người hói hay bị rụng tóc ở độ tuổi 30 giảm 29% đến 45% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
|
Nam giới có vết hói hay bị rụng tóc ở độ tuổi 30 giảm 29% đến 45% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt |
Đến 30 tuổi, khoảng 25-30% nam giới sẽ bị hói đầu. Đến năm 50 tuổi thì một nửa số đàn ông đều ở tình trạng rụng tóc trầm trọng.
Nguyên nhân của bệnh hói là do nang tóc tiếp xúc quá nhiều với chất dihydrotestosterone (DHT) – một chất do hormone nam giới testosterone tạo ra.
Theo những chuyên gia, nam giới có lượng testosterone cao dễ bị rụng tóc, đặc biệt khi trong gia đình họ có người mắc chứng bệnh này.
Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt thường được kê đơn thuốc làm giảm lượng testosterone, vì loại hormone này có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u.
Tuy nhiên, mức testosterone cao từ khi còn trẻ lại có tác dụng phòng chống ung thư tuyến tiền liệt.
Tiến sĩ Helen Rippon thuộc Tổ chức từ thiện The Prostate Cancer Charity cho biết: “Độ tuổi nam giới bắt đầu rụng tóc không may lại là yếu tố không thể kiểm soát. Tuy nhiên, nếu những kết quả nghiên cứu trên chính xác thì nó sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách vận hành của testosterone trong cơ thể và cách hormone này ảnh hưởng tới các mô tế bào khác nhau”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Alison Ross thuộc Viện nghiên cứu Ung thư Anh quốc lại cho rằng vẫn còn chưa rõ mối liên hệ giữa bệnh hói đầu và ung thư tuyến tiền liệt vì những nghiên cứu trước đó đã chứng minh điều ngược lại.
Nguyễn Ngọc Khanh (Theo BBC)
[links()]