Theo thông tin từ báo Tiền Phong, ngày 13/6, BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Lộc - Trưởng Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết, Khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhi NTP (1 tuổi, sống ở Bình Dương) trong tình trạng nguy kịch vì bị điện giật, mê man, tổn thương tim và cơ rất nặng.
Kết quả chụp CT-SCAN cho thấy bé trai có dấu hiệu bị phù não. Các BS đã tiến hành cho bệnh nhi thở máy, truyền thuốc vận mạch hỗ trợ tim và chỉ định sử dụng kháng sinh cho bé trai này.
Theo lời kể của anh N.V.T (bố bệnh nhi), tối 7/6, bé P. đang chơi ở vũng nước trước sân nhà thì bị điện rò rỉ ở trụ điện gần đó gây giật khiến bé ngã xuống, bất tỉnh. Thấy vậy, mẹ bé chạy lại kéo con ra cũng bị điện giật.
Bé được người nhà đưa đến BV tỉnh Bình Dương cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở. Tại đây, sau 30 phút hồi sức, bé có nhịp tim trở lại và được chuyển đến BV Nhi đồng 2 vào trưa 8/6 - báo Pháp luật Online đưa tin.
|
Bé T đang được điều trị tại BV Nhi đồng 2 |
BS Lộc cho biết hiện bé trai bị điện giật vẫn tiếp tục cho thở máy, tình trạng tri giác có cải thiện hơn, thang điểm hôn mê glasgow (thang đánh giá tình trạng ý thức của bệnh nhân) khoảng 7- 8 điểm, tổn thương tim và cơ đã được cải thiện.
Theo BS Lộc, ngay khi phát hiện có người bị điện giật, người nhà cần lưu ý dùng những phương tiện cách điện để đưa bệnh nhân ra khỏi hiện trường điện giật, tốt nhất là nên ngắt ngay nguồn điện, nếu không cẩn thận, ngay cả người cứu cũng dễ trở thành nạn nhân thứ 2 bị giật.
“Bệnh nhân bị điện giật, 1 số trường hợp nặng có ngưng tim ngưng thở tại chỗ, do đó việc cấp cứu ban đầu là vô cùng quan trọng. Nếu bệnh nhân không được xử trí tại chỗ mà đưa vô cơ sở y tế liền sẽ dễ khiến bị tổn thương vĩnh viễn ko hồi phục”, BS Lộc cho biết.
Trước những hiểm họa về điện trong mùa mưa, BS Lộc khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ con chơi gần những trụ điện, tránh điện rò rỉ. Bên cạnh đó, trong gia đình, những ổ điện nên đặt ở vị trí ngoài tầm với của trẻ đề phòng những tai nạn điện giật đáng tiếc có thể xảy ra.
Tâm An