Đặc sản người Thái khiến các mẹ ở Hà Nội săn lùng cho con

Google News

Khẩu xén - đặc sản truyền thống của người dân tộc Thái trắng (Điện Biên) giá chỉ 80.000 - 100.000 đồng/kg, đang được các bà mẹ Hà Nội yêu thích và mách nhau mua cho con ăn thay bim bim.

Khẩu xén, trong tiếng Thái khẩu có nghĩa là cơm, xén có nghĩa là cắt. Khẩu xén là món ăn truyền thống được làm từ gạo nếp và sắn nương đã có từ lâu đời của người dân tộc Thái trắng (Mường Lay, Điện Biên) mỗi dịp Tết đến. Bánh khẩu xén được dùng để đãi khách, làm quà biếu cho bà con, bạn bè từ phương xa tới chúc Tết.
Dac san nguoi Thai khien cac me o Ha Noi san lung cho con
Bánh khẩu xén được các bà mẹ Hà thành mua cho con ăn để cai bim bim. (Ảnh: Vân Chi) 
Tuy nhiên, hiện nay bánh khẩu xén đã không còn là món ăn truyền thống chỉ được làm vào dịp Tết nữa, mà đã được phát triển thành mô hình sản xuất và được bán rộng rãi. Thời gian gần đây, tại Hà Nội, bánh khẩu xén mới được bán rầm rộ trên mạng xã hội, trở thành loại bánh dân tộc hiếm hoi giữa cơn bão thực phẩm nhập khẩu hiện nay.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, bánh khẩu xén được yêu thích bởi là loại đặc sản sạch, ngon, bổ, rẻ. Giá 1 kg khẩu xén được bán vào khoảng 80.000 - 100.000 đồng. Khẩu xén nở ra giống như phồng tôm, chỉ cần thả vào chảo mỡ hoặc dầu ăn vài phút là vớt ra được cả đĩa bánh.
Dac san nguoi Thai khien cac me o Ha Noi san lung cho con-Hinh-2
Khẩu xén là loại bánh như bánh phồng tôm nhưng chắc và dai hơn. (Ảnh: Vân Chi) 
Chị Vân Chi (Kim Liên, Hà Nội) cho hay, 1 kg khẩu xén đủ để con chị ăn nửa tháng, so với các loại bim bim được bán trên thị trường hiện nay có giá 5.000 - 10.000 đồng/gói thì khẩu xén rẻ hơn rất nhiều.
"Đó là thực phẩm sạch được làm thủ công từ các loại cây trồng tự nhiên. Mình quyết định dùng khẩu xén để cho con ăn thay bim bim", chị Chi nói.
Khẩu Xén là loại bánh như bánh phồng tôm nhưng chắc và dai hơn. Bánh có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu như gạo nếp cẩm có màu đen, gạo nếp nương có màu trắng hoặc pha thêm gấc để có màu đỏ, thêm màu của cây cơm nếp để có màu xanh...
Đậm đà hơn là khẩu xén làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở Mường Lay. Cách chế biến bánh khẩu xén rất đơn giản: Sắn củ hoặc gạo ngâm nước nhuộm màu bằng các loại lá và quả. Khi gạo (sắn) đã ngâm đủ thời gian, sẽ được giã ra rồi đồ lên, cán mỏng phơi ráo, xong rồi xén và đem phơi khô, cuối cùng là đóng túi.
Miếng bánh khẩu xén được cắt thành nhiều hình khác nhau: Hình bình hành, hình ngôi sao, bông hoa... khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Cho vào miệng, miếng bánh giòn tan, thơm và đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi.
Khẩu xén cũng có nhiều hương vị khác nhau, vị ngọt cho trẻ em, vị mặn cho phụ nữ và người già, có cả bánh nhạt để chấm gia vị.
Dac san nguoi Thai khien cac me o Ha Noi san lung cho con-Hinh-3
Khẩu xén sau khi cắt sẽ được phơi nắng tự nhiên. (Ảnh: Vân Chi) 
Chị Hằng, chuyên bán đặc sản Tây Bắc online ở Hà Nội cho hay, chị bán bánh khẩu xén đã lâu nhưng một tháng trở lại đây phong trào mua khẩu xén mới được các mẹ truyền tai nhau và trở nên rầm rộ. Thời gian này, một ngày chị có thể bán lẻ vài chục kg khẩu xén.
Việc nhập khẩu xén không quá khó khăn, vì chị Hằng có người nhà ở Điện Biên nên hàng tuần chị chỉ cần báo số lượng là sẽ có người gửi hàng theo ô tô từ Mường Lay xuống Hà Nội.
Theo thông tin từ Vietnamplus.vn, chính quyền thị xã Mường Lay đã xây dựng dự án, mục tiêu sẽ phát triển nghề làm khẩu xén truyền thống theo mô hình hợp tác xã. Trong đó, sẽ đầu tư máy móc kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất và tập huấn kỹ thuật cho các lao động tham gia dự án, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, xây dựng khẩu xén thành thương hiệu sản phẩm du lịch của thị xã Mường Lay.
Tổng mức đầu tư cho dự án này lên tới gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn tái định cư thủy điện Sơn La với mục tiêu đạt được là tạo thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng cho mỗi lao động nữ tham gia dự án.
Theo HOÀNG SAM/VTC