Có sự dịch chuyển nhóm gen làm gia tăng ca mắc tay chân miệng
Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Bộ Y tế cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, sổ mắc cả nước giảm 25,3% số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh chóng trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.
|
PGS.TS Phan Trọng Lân.
|
Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc như vậy, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có sự biến đổi chủng vi rút gây bệnh tay chân miệng không? Trả lời vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy trong 2 tháng qua, tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số mẫu xét nghiệm bệnh TCM, so với dưới 1% phát hiện EV71 trong 6 tháng đầu năm. Sự gia tăng đột biến này cũng được ghi nhận trong vụ dịch năm 2011 (từ 32% trong 6 tháng đầu năm lên 56% từ tháng 7 đến tháng 9).
“Sự dịch chuyển thứ nhóm gien từ B5 ưu thế trong giai đoạn 2012-2017 sang C4 (của chủng Enterovirus 71 - EV71) khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn. Thứ nhóm gien C4 đang lưu hành ưu thế hiện nay cũng là chủng gây dịch năm 2011 và dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gen khác của EV71”- PGS. Lân cho biết.
Cũng theo chuyên gia dịch tễ này, trong 20 năm qua, vụ dịch TCM lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 170 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đồi sang thứ nhóm gen C4 này. Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gen C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong, tại Campuchia năm 2012 với 54 trường hợp tử vong.
Dịch TCM bùng phát do miễn dịch của cộng đồng giảm?
PGS. Lân cho rằng, bệnh TCM tuân theo các quy luật của dây chuyền dịch, dịch lớn có thể xảy ra khi có sự thay đổi trong khối cảm thụ, yếu tố lây truyền và tác nhân gây bệnh. Đến nay, lây qua đường tiêu hóa vẫn là đường lây truyền chính của bệnh TCM. Nhiều câu hỏi về dịch tễ, yếu tố lây truyền, miễn dịch còn chưa được trả lời rõ ràng.
|
Bệnh tay chân miệng có sự gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, người dân cần chú ý phòng bệnh. Ảnh minh hoạ. |
Tuy nhiên, theo ông Lân, bên cạnh việc giảm số mắc, 3 năm qua với tỷ lệ EV71 giảm dần trong các năm qua, hầu hết cộng đồng trẻ dưới 3 tuổi chưa có miễn dịch với EV71 và số trẻ chưa có miễn dịch vì thế cũng gia tăng. Trong điều kiện, mầm bệnh TCM lưu hành phổ biến tại phía Nam trong bối cảnh giao lưu đi lại lớn, góp phần lây lan mầm bệnh nhanh chóng, đặc biệt là từ người lớn nhiễm vi rút không biểu hiện bệnh sang trẻ em.
Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm gia tăng thêm sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày; nhà trẻ đông người, đặc biệt là khu vực miền Đông Nam Bộ.
Đa số trẻ tử vong do TCM vì chủ quan điều trị tại nhà
Theo thống kê từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh TCM, liệu điều này có đáng quan ngại? Ông Lân cho rằng, so với cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.
"Đa số các bệnh nhân TCM tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2011 cũng cho thấy 61% trường hợp tử vong là tự điều trị tại nhà"- ông Lân nói.
Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh TCM. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời. Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút thì cần đưa trẻ khám ngay.
Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu bệnh TCM. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi các bệnh nhi có triệu chứng nghiêm trọng.
Phòng bệnh thế nào?
Bệnh TCM hiện đang vào mùa, với số bệnh nhân thường tăng cao vào tháng 8 đến tháng 11. Nguy cơ bùng phát dịch TCM là hiện hữu tại khu vực phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 6 biện pháp dưới đây.
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Theo Dương Hạnh/Suckhoedoisong