15 phút treo lơ lửng trên 2 thanh sắt
Gặp bệnh nhân Đỗ Văn Lâm (Quốc Oai, Hà Nội) vẻ mặt tươi cười nói chuyện, trước đó vài ngày không ai nghĩ rằng anh còn sống. Vừa trải qua cuộc phẫu thuật khẩn cấp được 3 ngày nhưng anh đã đi đứng, ăn uống khá tốt.
Chia sẻ về sự cố vào viện, anh Lâm cho hay: Tôi làm nghề xây dựng ở quê. Hôm đó khoảng 2 giờ chiều tôi đang đan sắt trên nóc tầng 2, khi bước xuống, bất chợt hụt chân và ngã giàn giáo độ cao 6m. Tôi bị treo lơ lửng vào 2 cọc sắt chống trộm khoảng 15 phút, vừa la hét, vừa sợ hãi. Sau đó anh em cùng làm nâng cơ thể tôi từ thanh sắt ra và đưa vào Bệnh viện huyện Quốc Oai. Tại đây, nhanh chóng tôi được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Nhận được điện thoại ứng cứu của bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đón tiếp bệnh nhân khẩn cấp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp đã quyết định mổ cấp cứu mà chưa kịp làm các xét nghiệm nào.
Chia sẻ về điều này, BS Đinh Hồng Kiên, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, đây là một ca bệnh tai nạn hy hữu và cũng phải xử lý hy hữu. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ gấp mà không qua một xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu nào. Bởi nếu không mổ khẩn cấp thì khả năng bệnh nhân tử vong là trong gang tấc. Khi mổ thì thấy trong bụng bệnh nhân có khoảng 2,5 lít máu, vỡ gan nhiều mảnh, bác sĩ thò tay lấy ra một mảnh gan to, cộng thêm thủng ruột non, thủng đại tràng. Ngay lập tức, kíp mổ tiến hành truyền máu trong khi mổ là 2 lít và sau khi mổ truyền 1,7 lít máu, tiến hành cắt gan theo tổn thương, khâu vết thương dạ dày, đại tràng, ruột non, làm hậu môn nhân tạo. Sau mổ ngày thứ 3 bệnh nhân đã tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, tự thở, ngồi dậy được.
Cần cắt thanh sắt để giảm tổn thương
Nói về bệnh nhân này, BS Bùi Đức Duy, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, một trong những người cấp cứu chữa trị bệnh nhân Lâm cho hay: Bệnh nhân vừa tổn thương do chấn thương vừa do vết thương. Đây là bệnh nhân bị đa chấn thương, rất nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân Lâm may mắn là không có tổn thương về mạch máu, thanh sắt xuyên vào bụng, nên chỉ tổn thương các tạng phủ.
Mặc dù bệnh nhân được các bạn cùng làm gỡ thanh sắt trên bụng và đưa đến cấp cứu, nhưng trong những trường hợp tai nạn như thế này, nếu có điều kiện về dụng cụ thì người giúp đỡ bệnh nhân cần bình tĩnh. Tốt nhất nên cắt thanh sắt, rồi chuyển tới bệnh viện, các bác sĩ sẽ phẫu thuật rút thanh sắt, chứ không nên rút thanh sắt ra để tránh tổn thương nhiều hơn và chính thanh sắt đó sẽ giúp giảm chảy máu.
Phạm Hằng