Ngày 19/3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công trường hợp vỡ tử cung, chảy máu ồ ạt trong ổ bụng.
Chị T. T.P (42 tuổi) mang thai lần 2 đang ở tuần thứ 28, tiền sử mổ đẻ cũ song thai vào năm 2011, mổ nội soi bóc nhân xơ tử cung vào năm 2015. Chị tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vì đau bụng dữ dội. Ngay lập tức, các bác sĩ siêu âm và phát hiện thai đã lưu, sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn.
Qua thăm khám tại khoa Sản bệnh A4, ThS.BSCKII Trương Minh Phương nhận thấy bệnh nhân có tổ chức thai lổn nhổn dưới thành bụng, trên khớp vệ sờ thấy khối nghĩ nhiều tới tử cung, âm đạo có máu đỏ sẫm. Sau khi tiến hành siêu âm hội chẩn, bệnh nhân được xác định vỡ tử cung, thai trong ổ bụng.
Đánh giá đây là một ca vỡ tử cung hết sức phức tạp, ThS.BSCKII Trương Minh Phương tiến hành mổ cấp cứu. Quá trình phẫu thuật ghi nhận ổ bụng có khoảng 2000g máu cục lẫn máu loãng. Mặt đáy tử cung có vết vỡ ngang, nham nhở kích thước khoảng 10cm. Sau khi xử lý thành công, bác sĩ Phương tiến hành khâu bảo tồn cơ tử cung.
Ca phẫu thuật cho sản phụ mang thai 28 tuần vỡ tử cung tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Các chuyên gia cho biết, vỡ tử cung là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thai nhi và sản phụ. Có hai loại vỡ tử cung là: Vỡ tử cung thai kỳ và vỡ tử cung khi chuyển dạ. Đối với vỡ tử cung thai kỳ chỉ định bắt buộc đình chỉ thai nghén và xử lý phần tử cung để cứu sống mẹ nhưng sản phụ mất cơ hội làm mẹ. Nhiều trường hợp vỡ tử cung không có dấu hiệu lâm sàng nên dễ bị bỏ qua.
ThS.BSCKII. Trương Minh Phương khuyến cáo: Các sản phụ có vết mổ đẻ hoặc mổ u ở tử cung trước đó nên được quản lý thai chặt chẽ, chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến sẹo mổ đẻ cũ như chửa vết mổ, rau tiền đạo,... để xử trí kịp thời.
Đặc biệt, nếu thai kỳ có diễn biến bất thường như đau bụng, ra máu âm đạo, tiểu buốt, tiểu máu,... thai phụ cần được bác sĩ chuyên khoa khám tìm căn nguyên và điều trị sớm theo từng nguyên nhân gây bệnh.
Thúy Nga