Theo đó, bệnh nhi Đ.T.C. (2 tuổi, quê Cà Mau) bị tay chân miệng cấp độ 4 trong tình trạng nguy kịch. Lúc bé phát bệnh có biểu hiện nổi ban hồng tay chân, hay giật mình. Khi chuyển đến lên TP.HCM bệnh nhi bắt đầu có biến chứng về thần kinh, hô hấp và tim mạch. Bác sĩ phải dùng thuốc trợ tim đồng thời phải đặt nội khí quản ngay sau đó.
Sau khoảng 6 tiếng bé bắt đầu ổn định lại và được tiếp tục lọc máu liên tục trong 24 giờ. Hiện bé đã được cai máy thở, đang được tiếp tục theo dõi tại phòng hồi sức.
|
Bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc |
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tương tự với trường hợp bé C., một bệnh nhi 2 tuổi, ngụ Cần Thơ cũng được kịp thời cứu sống nhờ hội chẩn trực tuyến, chuyển viện an toàn lên Bệnh viện Nhi đồng 1 với ê kíp hồi sức theo cùng. Sau khi được tiến hành lọc máu liên tục, hiện bé đã tỉnh táo, cử động chân tay tốt.
“Vì tay chân miệng có khả năng để lại những di chứng nên sắp tới đây chúng tôi sẽ tiến hành khám thần kinh cho bé T., đánh giá các di chứng và xử lí. Riêng bé C. hiện đang xuất hiện tình trạng rối loạn phản xạ nuốt và đang được cho tập vật lý trị liệu”, BS Quang thông tin.
Theo BS Quang, số ca tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang chững lại và có dấu hiệu đi xuống, nhưng những ca bệnh nặng vẫn còn nên không được chủ quan. Các bậc cha mẹ cần lưu ý phát hiện kịp thời khi bệnh đang ở giai đoạn sớm, tránh để diễn tiến nặng.
Trước đó trung tuần tháng 9 đến giữa tháng 11, tình trạng tay chân miệng bùng phát khiến các bệnh viện Nhi ở TP.HCM quá tải. Tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía nam có 6 ca tử vong do bệnh chân tay miệng.
Theo Chí Tâm/ Công lý