Trong một tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Thú y của Vương quốc Anh Christine Middlemiss cho biết, cúm gia cầm đã được xác nhận tại trang trại gà tây nằm gần Northallerton, thuộc vùng Bắc Yorkshire và chủng virus được phát hiện là cúm gia cầm H5N8 độc lực cao.
Tuy nhiên, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh cho biết, cúm gia cầm ít gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và chủng virus cúm gia cầm H5N8 không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.
Tiến sĩ Gavin Dabrera, chuyên gia tư vấn về nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính tại Public Health England (PHE), cho biết: "Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus H5N8 ở người và nguy cơ của loại virus này đối với cộng đồng được cho là rất thấp".
Một phát ngôn viên của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm cho biết, nguy cơ bệnh cúm gia cầm gây mất an toàn thực phẩm là rất thấp: "Gia cầm và các sản phẩm gia cầm, bao gồm trứng, được nấu chín đúng cách vẫn an toàn để ăn".
|
Cúm gia cầm ít gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Ảnh: AP. |
Tất cả 10.500 con gà tây tại trang trại gia cầm ở Northallerton sẽ bị tiêu hủy. Giới chức địa phương đã khoanh vùng khu vực xung quanh địa điểm bùng phát dịch để hạn chế nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguồn gốc của đợt bùng phát dịch này.
Về chủng cúm gia cầm H5N8, các nhà khoa học đã từng nghiên cứu cách thức virus này bùng phát và lây lan thành dịch bệnh tại Hàn Quốc hồi năm 2014.
Dịch bệnh này sau đó lây sang một số quốc gia khác như Nhật Bản, các nước ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, làm bùng nổ đợt đại dịch cúm gia cầm vào giữa mùa Thu 2014 và mùa Xuân năm 2015. Khi đó, 48 triệu con gia cầm ở nước Mỹ đã bị tiêu hủy và làm thiệt hại hơn 3 tỷ USD.
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mô hình di cư của các loài chim hoang dã đã được phát hiện nhiễm virus H5N8, so sánh các mã di truyền của virus phân lập từ gia cầm nhiễm bệnh được thu thập từ 16 quốc gia.
Từ đó, họ phát hiện rằng virus H5N8 có thể đã được những con chim hoang dã (những con có mang mầm bệnh trong cơ thể) vận chuyển từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ thông qua khu vực sinh sản của chúng ở Bắc Cực.
Mời độc giả theo dõi video "Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19". Nguồn: THDT.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 11/2020, Hà Lan cũng phải tiêu hủy 200.000 con gà sau khi chủng cúm gia cầm độc lực cao trên được phát hiện tại một trang trại ở phía Đông thị trấn Puiflijk.
Còn vào hôm 25/10, một ổ cúm gia cầm H5N8 độc lực cao đã được công bố tại Hàn Quốc, đánh dấu trường hợp cúm gia đầu tiên ở nước này trong vòng 32 tháng qua. Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, chủng cúm gia cầm H5N8 độc lực cao đã được tìm thấy từ một mẫu phân của các loài chim di cư hôm thứ Tư ở Cheonan, cách thủ đô Seoul 92 km về phía nam.
Trước đó, các chủng cúm gia cầm phổ biến khác thường xuất hiện theo mùa ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ là H5N1 và H5N6 cũng được phát hiện lây nhiễm không chỉ từ chim hoang dã sang gia cầm mà còn lây sang cả con người và các động vật khác.
Đặc biệt là virus cúm A/H5N1 có thể dễ dàng lây sang người từng được Tổ chức Y tế Thế giới, khuyến cáo có thể gây tử vong tỷ lệ gần 60% đối với người mắc bệnh.
Trong khi đó, cúm A/H5N6 cũng là chủng virus có độc lực cao và có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi.
Chủng cúm A/H5N6 cũng được cho là có thể lây sang người và từng gây tử vong ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể.
Thảo Nguyên