Chiều ngày 23/10, tại Hà Nội, Ban tổ chức chương trình hội trại dinh dưỡng đái tháo đường đã tổ chức họp báo thông tin về sự kiện với tên gọi “Chung tay kiểm soát và đẩy lùi bệnh đái tháo đường” lần III - năm 2018 (Diabetes Camp - 2018).
|
Ban tổ chức chương trình thông tin với báo giới. |
Phát biểu tại buổi họp, đại diện Ban tổ chức PGS.TS Tạ Văn Bình - Nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam cho biết: Mục tiêu hội trại nhằm đem đến một ngày hội hướng dẫn, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cung cấp kiến thức bổ ích cho cộng đồng và người bệnh đái tháo đường. Đặc biệt cung cấp kiến thức phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở trẻ em và kiểm soát biến chứng bệnh nhi đái tháo đường.
|
PGS.TS Tạ Văn Bình. |
“Quan trọng nữa là thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam là làm sao để những người đái tháo đường nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung hiểu được rằng bệnh đái tháo đường là một đại họa của thế kỷ 21, vì hiện nay 6 giây thì có một người chết bởi đái tháo đường”, PGS.TS Tạ Văn Bình thông tin.
Ban tổ chức cho biết thêm, hội trại dinh dưỡng đái tháo đường lần III này sẽ dự kiến khoảng 1000 đến 1.200 người tham dự, diễn ra từ 7h đến 17h ngày 28/10/2018, tại Trung tâm y tế quận Hà Đông (Hà Nội).
|
Hình ảnh người dân tham gia hội trại đái tháo đường năm 2017. |
Điểm mới ở hội trại năm nay sẽ đi sâu vào 2 lĩnh vực cụ thể là “phát hiện ra một số yếu tố cơ bản và thêm dinh dưỡng cho người bệnh, những người sắp mắc bệnh đái tháo đường”.
PGS.TS Tạ Văn Bình cho hay: “Hội trại lần đầu tiên của chúng tôi tập trung vào trẻ em và có 7 quốc gia trên thế giới tham gia. Hội trại lần 2 vào năm 2017, chúng tôi mới tập trung vào công tác tuyên truyền phương pháp phát hiện ra những biến chứng cơ bản của bệnh đái tháo đường”.
Theo Ban tổ chức: Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, và số chưa được quản lý là khoảng 71,1% (vào năm 2015).
Bảo Ngân