Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 4/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 482.000 ca), Pháp (261.481 ca) và Italy (219.441 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.536 ca), Nga (802 ca) và Ba Lan (646 ca).
Trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều nước đã sửa đổi quy định phòng dịch. Chính phủ Áo ngày 6/1 cho biết sẽ áp đặt các biện pháp phòng dịch mới từ ngày 9/1 tới, trong đó có giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày, yêu cầu đeo khẩu trang nơi đông người và giới hạn thời gian hiệu lực của chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 là 6 tháng.
Tại Bồ Đào Nha, học sinh sẽ được phép trở lại trường từ tuần tới và các câu lạc bộ ban đêm sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 14/1. Từ ngày 10/1 tới, chỉ những người nhiễm virus và những người sống cùng họ cần phải cách ly, trong khi những người đã tiêm mũi tăng cường không cần cách ly. Tất cả hành khách đi bằng đường hàng không đến Bồ Đào Nha vẫn cần có xét nghiệm âm tính.
Israel quyết định xóa tên 8 quốc gia khỏi danh sách nguy cơ cao về COVID-19 từ 22h00 giờ GMT ngày 6/1 (tức 5h sáng 7/1 giờ Hà Nội). Bộ Y tế nước này cho biết quyết định trên được đưa ra là vì biến thể Omciron lây lan nhanh nhưng không gây nhiều nguy hiểm.
Châu Âu
Một loạt nước thông báo số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục
Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 với số ca mới ghi nhận hằng ngày chiếm hơn 50% tổng số ca mắc trên toàn cầu. Một loạt nước đều đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy trong suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Viện Y tế Công cộng Quốc gia Hà Lan ghi nhận 24.575 ca mắc COVID-19 mới, vượt con số cao kỷ lục 23.713 ca ghi nhận ngày 24/11/2021. Các ca lây nhiễm tại Hà Lan đã tăng gần 60% so với tuần trước mặc dù nước này đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như đóng cửa tất cả trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu cũng như các nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng tập thể dục, bảo tàng và các địa điểm công cộng khác kể từ ngày 19/12/2021. Theo Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan, biến thể Omicron của SARS-CoV-2 hiện đang chiếm đa số các ca nhiễm mới.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Almere, Hà Lan ngày 3/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cho đến nay, các biện pháp phòng dịch của Hà Lan đã góp phần làm giảm số lượng bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện xuống mức thấp nhất trong 2 tháng với trung bình mỗi ngày, 13 bệnh nhân cần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 điều trị trong ICU tđến ngày 5/1 là 449 người, giảm 15 người so với ngày trước đó. Tuy nhiên, theo Trung tâm điều phối quốc gia về phân bổ bệnh nhân (LCPS), số bệnh nhân COVID-19 nhập viện sẽ sớm tăng trở lại do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm mới.
Mặc dù vậy, Chính phủ Hà Lan ngày 3/1 đã quyết định cho phép các trường tiểu học và trung học mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch sau kỳ nghỉ Giáng sinh vào ngày 10/1. Các biện pháp phòng dịch khác dự kiến được đưa ra vào ngày kết thúc lệnh phong tỏa (ngày 14/1).
Trong ngày 6/1, Bồ Đào Nha có 39.074 ca nhiễm mới, chỉ kém con số kỷ lục ngày trước đó một chút. Theo Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, nước này đã tăng cường năng lực xét nghiệm gấp 5 lần so với 1 năm trước và đây là một phần nguyên nhân nước này xác định được nhiều ca nhiễm như trên.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Zagreb, Croatia ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Croatia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục theo ngày 9.085 ca, tăng 47% so với ngày trước đó. Ngoài Croatia, nhiều nước khu vực Tây Balkan cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lay nhanh chóng.
Số ca nhiễm mới tại Bosnia đã tăng gấp vài lần trong tuần qua, lên 2.093 ca vào ngày 6/1. Montenegro cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng 86% trong tuần qua.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Do biến thể Omicron, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/1 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 68.413 ca. Trong một tuần, số ca nhiễm mới đã tăng hơn 2 lần và Omicron hiện đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết ở thời điểm hiện tại nước này không có kế hoạch xem xét việc siết chặt các biện pháp phòng dịch, mà chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng và tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân.
Đức có thể rút ngắn thời gian cách ly
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm di động ở Kreuzberg, Berlin (Đức) ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 7/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ hiến 16 bang cùng hội đồng chuyên môn đánh giá về dịch bệnh của chính phủ sẽ tiến hành cuộc họp để quyết định những biện pháp mới nhằm chống biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh với tốc độ lây nhiễm chóng mặt.
Tại cuộc họp, chính phủ sẽ tham vấn ý kiến của Bộ trưởng Y tế và Hội đồng chuyên gia về các quy định mới chống dịch bệnh COVID-19. Trước đây, do sự phân chia quyền giữa chính phủ liên bang và tiểu bang, mỗi bang đều có quyền hạn riêng quyết định các biện pháp ứng phó với đại dịch. Cuộc họp với tên gọi là “thượng đỉnh COVID-19”, sẽ đưa ra “quy định cơ bản” tối thiểu được áp dụng trên toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh. Từ mức cơ bản này, các bang có thể áp đặt những quy định nghiêm ngặt hơn tùy vào tình hình từng khu vực.
Pháp thắt chặt quy định phòng dịch với những người chưa tiêm vaccine COVID-19
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 6/1, Hạ viện Pháp đã thông qua kế hoạch áp dụng thẻ vaccine do Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron. Động thái này được cho là nhằm thúc đẩy những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Pháp đi tiêm chủng.
Theo dự luật trên, người dân cần phải có thẻ vaccine để có thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống. Chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ không còn hiệu lực nữa. Quy định này sẽ được áp dụng với những người từ 16 tuổi trở lên, thay vì trên 12 tuổi như chính phủ đề xuất ban đầu.
Dự luật trên còn cần phải được Thượng viện Pháp thông qua vào đầu tuần tới. Nếu suôn sẻ, dự luật này có thể được thực thi vào ngày 15/1 tới.
Châu Á
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc tăng mạnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc ngày 6/1 vượt 4.000 ca ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh nước này duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn do lo ngại về sự tái bùng phát dịch và sự lây lan của biến thể omicron.
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ngày 6/1 có thêm 4.126 ca mắc mới, gồm 3.931 ca lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 635.792 ca, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới ngày ở mức trên 4.000 với 4.443 ca ghi nhận ngày trước đó.
Hàn Quốc cũng thông báo thêm 49 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 5.887. Con số này thấp hơn 57 ca tử vong ngày trước đó, và tỉ lệ tử vong là 0,9%.
Số ca bệnh nặng là 882, giảm so với 953 ca ngày trước đó, đánh dấu số ca tử vong thấp nhất trong 24 ngày qua.
Số bệnh nhân nặng được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh nước này đang vật lộn với khả năng thiếu giường bệnh điều trị.
Nhật Bản cho phép người nhiễm biến thể Omicron tự cách ly ở nhà
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo quyết định cho phép người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tự cách ly ở nhà trong một số trường hợp nhất định.
Bộ trưởng MHLW Shigeyuki Goto nêu rõ các địa phương có thể cho phép người nhiễm biến thể Omicron cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú chỉ định, với điều kiện địa phương đó đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho việc điều trị tại nhà như có thuốc chữa COVID-19 dạng uống.
Văn bản hướng dẫn trước đó của MHLW quy định tất cả những người nhiễm biến thể Omicron đều phải nhập viện.
Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt tại Ấn Độ
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Siliguri, Ấn Độ, ngày 6/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Các thành phố lớn tại Ấn Độ như Delhi, Mumbai và Kolkata đang chứng kiến sự gia tăng của các trường hợp mắc COVID-19, trong đó chủ yếu là nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tuy số ca phải nhập viện điều trị không tăng cao nhưng dư luận đang lo ngại rằng dịch COVID-19 sẽ ngày càng lan rộng ra các vùng nông thôn trong những ngày tới.
Giới chức y tế Ấn Độ ngày 6/1 xác nhận nước này có thêm 114.484 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua – tăng gấp 4 lần so với hồi đầu năm nay, trong đó chủ yếu các ca mắc mới ghi nhận tại các thành phố mà Omicron đang là biến thể chủ đạo. Phần lớn những người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ ở mức độ nhẹ, có thể hồi phục nhanh chóng khi điều trị tại nhà. Tính đến thời điểm này, Ấn Độ đã xác nhận ít nhất 2.135 trường hợp nhiễm Omicron, trong đó có 1 ca tử vong sau khi nhiễm biến thể này.
Châu Mỹ
Brazil tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 31/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Brazil thông báo nước này sẽ triển khai việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 trên cơ sở tự nguyện, đồng thời hủy kế hoạch tiêm chủng phải có chỉ định của bác sĩ.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga cho biết dù tỷ lệ trẻ tử vong do mắc COVID-19 không nhiều, song đảm bảo cuộc sống an toàn cho trẻ là rất quan trọng. Brazil đã đặt 20 triệu liều vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ và việc tiêm chủng sẽ được triển khai vào cuối tháng này.
Mặc dù tiêm phòng không phải bắt buộc, song chính quyền các bang có quyền ra quyết định về y tế công cộng, cũng như có thể yêu cầu trẻ phải tiêm vaccine để có thể đi học. Chính quyền các bang muốn bắt đầu tiêm chủng cho trẻ trước khi các trường học mở lại vào cuối tháng 1. Dự kiến, 3,5 triệu liều vaccine của Pfizer cho trẻ sẽ được chuyển tới nước này vào trước cuối tháng 1.
Colombia chuẩn bị cho kịch bản 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho người dân tại Medellin, Colombia ngày 3/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Colombia Iván Duque cảnh báo nước này cần chuẩn bị cho kịch bản ghi nhận 40.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, ông Duque bày tỏ lo ngại số ca COVID-19 sẽ tăng theo cấp số nhân, đồng thời nhận định rằng đây là chiều hướng dịch bệnh trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Bộ Y tế Colombia, nước này ngày 6/1 ghi nhận 23.039 ca mắc mới.
Bolivia lần đầu ghi nhận trên 10.000 ca
Bolivia lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới vượt 10.000 ca/ngày, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng thứ 4 của đại dịch. Cụ thể, ngày 6/1 Bolivia ghi nhận 10.263 ca mắc mới và 38 ca tử vong, nâng tổng số lên 641.817 ca mắc và 19.848 ca tử vong.
Panama quy định công chức phải tiêm phòng
Đang trải qua làn sóng thứ 4 của đại dịch, Chính phủ Panama đã quyết định công chức nhà nước phải tiêm phòng COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Panama Luis Francisco Sucre cho biết những người chưa tiêm vaccine sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào thứ Hai hằng tuần với cấp trên trực tiếp hoặc phụ trách nhân sự.
Thủ đô của Peru nâng mức phòng dịch
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Piura, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ đô Lima của Peru cùng 23 địa phương khác ở nước này đã nâng mức phòng dịch từ trung bình lên nguy cơ cao sau khi chính thức xác nhận Peru đang đối mặt với làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19.
Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi đại dịch. Trong những ngày đầu tiên của năm 2022, số ca mắc COVID-19 tại Peru đã tăng thêm 25%, từ 11.000 lên 14.000 ca một tuần, đưa tổng số ca mắc lên trên 2,3 triệu với khoảng 230.000 trường hợp tử vong. Biến thể Omicron đang chiếm phần lớn các ca dương tính với COVID-19 tại nước này.
Ca mắc mới ở Mexico tăng cao
Mexico đã ghi nhận 20.626 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua và là mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây.
Thông tin trên được công bố vài giờ sau khi Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador có ý kiến bảo vệ cách thức của chính phủ quản lý cuộc khủng hoảng y tế trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Obrador nhấn mạnh chưa thể khẳng định Mexico có trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 4 hay không, vì số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 không tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay Mexico đã ghi nhận hơn 4 triệu ca mắc COVID-19 và gần 300.000 ca tử vong. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cơ quan chính phủ, trong đó có Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia, ước tính số ca tử vong thực tế có thể dao động trong khoảng 520.000-713.000 người. Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Mexico là quốc gia có tỷ lệ ca tử vong/100 ca nhiễm cao nhất thế giới (7,5%).
Cuba đứng đầu thế giới về số liều vaccine ngừa COVID-19 trên dân số
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến ngày 5/1, Cuba đã tiêm tổng cộng 30.895.670 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và đứng đầu thế giới về số liều vaccine chống virus SARS-CoV-2 với tỷ lệ trung bình là 272,905 trên mỗi 100 người.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết 9.673.453 người dân nước này, tương đương 86,5% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi gần 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu dân nước này đã được bảo vệ với ít nhất một mũi vaccine, đưa Cuba trở thành nước có tỷ lệ dân số được tiêm phòng COVID-19 cao nhất khu vực Mỹ Latinh. Trong khi đó, hơn 2 triệu người Cuba đã được tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, với tỷ lệ hơn 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.
Theo Thùy Dương/Báo Tin Tức