Biến chủng MU né tránh sự bảo vệ của hệ miễn dịch
Hôm qua (7/9), chuyên gia Maria Van Kerkhove - người đứng đầu nhóm phụ trách kỹ thuật trong chiến dịch ứng phó dịch COVID-19 của WHO cũng lên tiếng cho biết, biến chủng Mu có các đột biến giúp nó né tránh sự bảo vệ của hệ miễn dịch, dù cho bệnh nhân từng nhiễm virus tự nhiên hoặc tiêm chủng. Tuy nhiên, biến thể mới không phát triển như Delta, Delta vẫn là biến chủng đáng quan tâm nhất.
"Đối với tôi, biến thể Delta là biến thể mà tôi lo lắng nhất vì khả năng lây truyền tăng lên. Nó có khả năng lây truyền ít nhất là gấp đôi so với chủng virus ban đầu", bà Kerkhove nói.
Tiến sĩ Mike Ryan - người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, mới cho biết, bất cứ loại virus mới nào xuất hiện đều phải xét khả năng cạnh tranh với loại cùng nhóm mạnh mẽ nhất hiện tại. Về cơ bản, các virus có xu hướng cạnh tranh với nhau. Hiện tại thì biến thể Delta có xu hướng cạnh tranh với các biến thể khác mạnh mẽ nhất.
Ryan cũng cho biết thêm: "Không phải biến thể nào xuất hiện cũng gây khốn đốn. Mỗi biến thể cần được xem xét các đặc điểm về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền, khả năng trốn thoát hệ miễn dịch, kháng vắc xin. Do đó, chúng ta cần bình tĩnh để phòng tránh như các chủng đang hiện hành, đặc biệt là Delta".
Theo tiến sĩ Paul Griffin, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland của Australia, giới y khoa luôn nỗ lực tìm hiểu các biến chủng có khả năng lây bệnh cho người đã được tiêm vắc xin. Những biến chủng này có đột biến ở phần protein gai gắn trên vỏ ngoài của chúng.
Trong khi đó, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, giới chức y tế Mỹ đang theo dõi sát sao biến thể Mu, nhưng theo ông, biến thể này chưa phải là mối đe dọa đối với Mỹ ngay lúc này, khi biến thể Delta hiện mới là chủng trội, chiếm hơn 99% số ca dương tính mới.
MU nguy hiểm hơn Delta?
Trong bản cập nhật tình hình COVID-19 mới nhất, WHO cho biết, biến chủng Mu sở hữu một loạt các đột biến cho phép chúng trốn tránh hệ miễn dịch, kháng vắc xin.
Hầu hết các loại vắc xin COVID-19 nhắm vào protein đột biến của virus. Khi cơ thể tiếp xúc với các protein đột biến này, hệ thống miễn dịch sẽ chống trả. Nếu protein thay đổi ở một biến chủng mới có thể dẫn đến tình trạng cơ thể không nhận ra, do đó hiệu quả của vắc xin sẽ giảm.
Theo WHO, từ dữ liệu sơ bộ, biến chủng Mu có thể né tránh các kháng thể ở mức độ tương tự biến thể Beta nhưng điều này cần được xác nhận bằng các nghiên cứu chuyên sâu hơn.
So với biến chủng Delta, biến chủng Mu có nguy hiểm hơn không? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học và các quan chức y tế đang rất nhanh chóng phân tích về khả năng lây lan, gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn Delta hay không để có các khuyến cáo khoa học và sớm nhất.
"Dịch tễ học của biến chủng Mu ở Nam Mỹ, đặc biệt là với sự đồng lưu hành của biến thể Delta, sẽ được theo dõi chặt chẽ để nhanh chóng cập nhật những thay đổi", báo cáo của WHO nêu rõ.
Dù nhiều quan chức y tế Mỹ lo ngại biến chủng Mu thậm chí dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta nhưng theo báo cáo của WHO, tính đến hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác đáng nào cho thấy biến chủng Mu vượt trội hơn so với biến thể Delta và dễ lây lan hơn.
Trước tình hình trên, các chuyên gia nhấn mạnh, biến chủng Mu được đánh giá là rất nguy hiểm vì có thể né tránh được vắc xin COVID-19 và trốn tránh cực tốt hệ miễn dịch của con người, thực sự là một mối nguy, đe dọa thành quả chống dịch của cả thế giới. Để đảm bảo an toàn, người dân vẫn cần tiêm chủng vắc xin COVID -19 đầy đủ, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Kiều Dụ