Vừa đi làm về đến nhà, nhìn thấy vợ đang lúi húi trong bếp, anh Bình quăng đến rầm cái mũ bảo hiểm vào góc để đồ, giọng cay cú:
- Chiều nhau cho lắm vào giờ thì trắng mắt ra.
Chị Hằng hiểu rõ chồng đang chì chiết chuyện gì, vì trước đó, qua điện thoại, anh chị đã trao đổi sơ qua về kết quả điểm thi vào lớp 10 của con không như ý. Biết chồng nóng tính, chị Hằng nhẹ nhàng:
- Điểm của con đã vậy rồi, lực học của con cũng có hạn, mình phải biết chấp nhận thực tế thôi anh! Quan trọng giờ là động viên con, nó cũng buồn lắm, rồi vợ chồng mình sẽ cùng con tính.
- Chấp nhận cái con khỉ. Động viên con khỉ. Tính toán cái gì? Nhục thực sự!
- Anh căng thẳng càng làm con nặng nề tâm lý. Có phải mỗi con mình điểm thấp đâu!
- Cô ý, giờ này vẫn còn bênh nó chằm chặp. Bảo sao nó thành ra thế. Cứ kiểu này, sau ra đời, cháo chẳng có mà húp. Cả cơ quan tôi người ta khoe nhau con đỗ trường nọ trường kia, con mình phọt phà phọt phẹt, trượt thẳng cẳng, ê chề mặt bố mẹ…
- Con không đủ điểm vào trường công lập thì sẽ tính vào dân lập hoặc học nghề. Người buồn nhất bây giờ chính là con, sao anh không động viên con mà chỉ nghĩ đến cảm giác của mình là sao? Con mình học lực có hạn chứ có phải do đua đòi, lười học đâu? Mà anh có nghĩ, con ra nông nỗi này cũng một phần do bố mẹ không? Nếu ngay từ hồi lớp 6, mình cho con học lớp thường thì có lẽ, con đã không bị áp lực, dẫn đến stress vì không theo được các bạn ở lớp có học lực khá. Bị sức ép tâm lý nên con học đuối càng đuối.
- Cô im đi. Dạy con mà cho nó tự do như cô thì có mà hỏng. Cái gì chẳng cần phải có kỷ luật, sức ép mới nên người. Con người ta thi cử học chầy chầy ngày đêm. Con mình động tí là sợ "quá sức". Cô không nuông chiều nó quá thì đã không ra thế này".
- Vâng. Lỗi là do tôi, tại tôi! Tất cả tại tôi hết, anh hài lòng chưa?
Sau tiếng nói như gào lên, chị Hằng vừa khóc vừa bỏ ra ngoài. Anh Bình cũng không nguôi bức xúc, vung tay chạm vào cái cốc trên kệ rơi xuống đất vỡ tan…
Tất cả sự việc này, tôi được nghe thuật lại từ cô bạn, là em gái anh Bình. Khi chị Hằng gọi điện báo cho cô ấy biết chuyện cháu Long thi đạt điểm thấp, ở lì trong phòng một mình, lo cho cháu, cô ấy đã đến tìm cách an ủi thằng bé. Vậy mà trong lúc hai cô cháu đang trò chuyện ở phòng trên tầng thì dưới nhà, anh Bình đi làm về, vợ chồng anh xảy ra câu qua câu lại. Chị Hằng bỏ đi, mấy phút sau, anh Bình cũng dắt xe ra khỏi nhà, chắc là đi nhậu giải khuây.
"Nhìn thằng Long thất thần chứng kiến cuộc xung đột của bố mẹ, tôi chỉ sợ nó buồn, rồi nghĩ quẩn. Thế nên, cả tối hôm ấy tôi phải ở đấy với con. Tôi cứ nghĩ đến cảnh bao nhiêu đứa trẻ bị áp lực từ cha mẹ, gia đình, dư luận liên quan đến học hành, thi cử rồi có hành động dại dột mà rùng mình. Chỉ hy vọng, anh trai tôi bớt sĩ diện, bình tĩnh nhìn thấu sự việc, vợ chồng tìm được tiếng nói chung để hỗ trợ, động viên con. Chứ cứ cẳng thẳng thế này, chỉ làm khổ mình, khổ con mà có giải quyết được việc gì đâu", cô bạn tôi than thở.
Mấy hôm nay, sau khi Hà Nội công bố kết quả điểm kỳ thi vào lớp 10 trường THPT công lập của thí sinh và điểm chuẩn của các trường, từ mạng xã hội cho đến ngoài đời sống, đâu đâu cũng nóng ran chuyện đỗ - trượt, điểm cao điểm thấp; tràn ngập Facebook là status của các cha mẹ khoe con. Vẫn biết, niềm vui của con là niềm vui của cha mẹ, thất bại của con là nỗi buồn của cha mẹ. Cha mẹ nào vất vả lo cho con đèn sách, chẳng mong con có kết quả như ý. Song, nếu kết quả của con không như mong đợi thì các bậc phụ huynh cũng đừng vì thế mà xảy ra cãi vã, mâu thuẫn nặng nề, chì chiết con. Bởi rạn nứt hạnh phúc gia đình, con cái có suy nghĩ và hành động tiêu cực, cũng có thể từ đây mà ra.
Theo Nhật An/Phụ Nữ Việt Nam