Khi trẻ bị sốt co giật, nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng, hoang mang, thậm chí là sơ cứu sai cách. Bác sĩ Lưu Tông Văn - Phó trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thuận Nghĩa (Trung Quốc) cho biết, sốt co giật là bệnh co giật thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Co giật do sốt chủ yếu là co giật toàn thân, hơn 80% trẻ em có biểu hiện mất ý thức, nhìn chằm chằm bằng hai mắt, lác hoặc hếch, cứng hàm, sùi bọt mép, nắm chặt tay và co cứng chân tay trong giai đoạn đầu của sốt co giật.
Ở giai đoạn nhiệt độ cơ thể tăng nhanh hoặc co giật, ngừng thở hoặc thậm chí bầm tím sẽ có hiện tượng tiểu không tự chủ và các biểu hiện khác, một số ít xuất hiện cơn động kinh cục bộ.
|
Ảnh minh họa. |
Làm thế nào để đối phó với co giật do sốt?
Hầu hết các cơn co giật do sốt có thể tự thuyên giảm trong vòng 5 phút, trẻ em bị co giật kéo dài hơn 5 phút cần được điều trị bằng thuốc chống co giật kịp thời và hầu hết trẻ em không cần dùng thuốc chống co giật.
Khi con bị sốt co giật, cha mẹ cần chú ý bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương do tai nạn như ngã khỏi giường, đồng thời luôn để đầu nghiêng sang một bên, duy trì đường thở thông thoáng, tránh ngạt thở.
Trẻ sốt co giật sẽ tăng tiết dịch trong miệng, có thể nôn, phải quay đầu sang một bên nếu không dịch tiết và chất nôn có thể trào thẳng ra khỏi miệng, rất dễ hít phải, gây ngạt thở.
Lúc này, cha mẹ phải ghi nhớ "ba không": Không nhét bất cứ thứ gì vào miệng trẻ, không đè trẻ quá mạnh để tránh gãy xương và không cấu véo trẻ.
Sốt co giật có làm tổn thương não không?
Nói đến sốt co giật, trong đầu nhiều người sẽ hiện lên hình ảnh "mắt trợn lên, môi tím tái, sùi bọt mép, mắt đờ đẫn, không khóc cũng không phản ứng". Do sốt co giật diễn ra đột ngột và dữ dội nên nhiều bậc cha mẹ thường hoang mang lo lắng, sợ rằng sốt co giật sẽ ảnh hưởng đến não bộ của bé.
Bác sĩ Lưu Tông Văn chỉ ra rằng sốt co giật thực ra không nghiêm trọng như tưởng tượng, hầu hết trẻ em bị sốt co giật đều có tiên lượng tốt, không gây tổn thương não hay ảnh hưởng đến trí thông minh.
Kiều Dụ (Theo SH)