Không bế con dậy ngay lập tức khi bé vừa ngã
Trẻ nhỏ vốn hiếu động, nghịch ngợm, thích tìm tòi khám phá những ngóc ngách xung quanh nhà. Các bé lại quá nhỏ để nhận thức được những nguy hiểm xung quanh mình. Do đó, chỉ cần một chút lơ là của phụ huynh là trẻ có thể bị té ngã ngay lập tức, đặc biệt là với các bé mới chập chững biết đi.
Theo phản xạ tự nhiên, khi trẻ bị ngã từ trên giường hoặc trên ghế xuống đất, cha mẹ thường hốt hoảng lập tức bế con dậy để đung đưa, vỗ về. Tuy nhiên, hành động này của người lớn có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Khi đó, bố mẹ chưa biết tình trạng của con sau khi bị ngã ra sao mà vội bế bé lên có thể vô tình làm vết thương của bé trở nên nghiêm trọng.
Nên làm gì khi bé bị ngã từ trên giường xuống đất?
Đầu tiên, cha mẹ cần bình tình quan sát con 15 giây xem trên cơ thể của trẻ có vết thương nào không rồi mới nhẹ nhàng bế bé lên.
Nếu thấy trẻ bị thương ở phần cổ hoặc lưng, phụ huynh tuyệt đối không được bế trẻ lên. Hãy đảm bảo trẻ nằm ở tư thế thẳng, không di chuyển. Sau đó, hãy gọi cấp cứu.
Nếu chân tay trẻ không thể hoạt động bình thường, khi chạm vào là con khóc, có thể là bé đã bị gãy xương hoặc trật khớp. Lúc này bố mẹ hãy bế trẻ ở tư thế cố định và đưa bé đến bệnh viện.
Nếu trẻ không bị thương nặng mà chỉ sưng tấy hoặc vết thương ngoài da, phụ huynh có thể dùng đá lạnh để chườm vào vết sưng, dùng bông, gạc để cầm máu. Không dùng dầu gió bôi vào các vết thương vì có thể làm tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.
Quan sát trẻ trong ít nhất 1 giờ sau khi bị ngã. Có thể cho bé ngủ một giấc ngắn khoảng 20 phút. Bố mẹ nên để ý xem trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như ngủ mê man, nôn ói, nôn ra máu, sắc mặt trắng bệch... hay không. Khi thấy biểu hiện bất thường, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Trường hợp ngã đập đầu xuống đất, dù không phải chấn thương sọ não nhưng một số bé sẽ gặp tình trạng nôn ói từ 1-2 lần. Trong khoảng 1-2 giờ đầu sau khi bé ngã, mẹ chỉ nên cho bé uống nước hoặc bú mẹ; tránh ăn đồ cứng, đặc.