Con lươn vàng tìm thấy ở Quảng Bình nói trên được anh Nguyễn Thế Thành (SN 1988), trú xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, bắt được vào tối ngày 1/11. Theo Dân Trí, anh Thành trong lúc đi bắt cá tại khu vực ruộng lúa ở thành phố Đồng Hới đã bắt được con lươn có màu vàng óng toàn thân, dài 75cm và nặng hơn 400g. Theo nhận định của một số người dân địa phương, đây chính là loại lươn đột biến gen quý hiếm, có giá trị cao trên thị trường.
|
Con lươn có màu vàng óng toàn thân. |
Trước đó tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), một người dân cũng đã bắt được con lươn màu vàng và được thương lái liên lạc, hỏi mua với giá 10 triệu đồng.
Lươn có nhiều ở vùng đồng bằng và miền núi nước ta, sống chui rúc trong bùn ở ao hồ, ruộng nước mương máng. Thức ăn của chúng là giun, ốc, cua, tôm tép, cá con, ấu trùng...
Mùa bắt lươn vào tháng 3 - 4 và tháng 10 - 11. Toàn thân con lươn được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là hoàng thiện, thiện ngư. Trong lươn chứa nhiều protid, lipid, Ca, P, Mg, Fe, vitamin B1, B2, B6, PP và D.
Theo y học cổ truyền, lươn là một trong "bốn món tươi ngon dưới sông" (tứ đại hà tiên). Lươn tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.
Đặc biệt, theo các nhà sinh học, loài lươn màu vàng óng là một nhánh thuộc họ lươn, vì hiếm nên người dân ít gặp. Lươn vàng còn được ví như "sâm động vật dưới nước" bởi có nhiều tác dụng chữa bệnh. Nổi bật là tác dụng tăng cường trí nhớ và trị bệnh tiểu đường, là thức ăn bồi bổ rất tốt cho người có lượng đường trong máu cao và người lao động trí óc. Đầu lươn có tính ôn bổ não.
Từ lươn người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như miến lươn, súp lươn, lươn nướng... Lươn nấu với cá, rau rút và một số rau gia vị thành món lẩu canh chua, là món ăn - vị thuốc bổ rất phổ biến, ngoài ra còn có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương.
Thịt lươn ngon và bổ, còn là vị thuốc tốt với người thể trạng nhiệt, người thiếu máu, gầy còm mệt mỏi; trẻ em gầy yếu, xanh xao, bụng ỏng đít beo, phụ nữ sau sinh cơ thể hư nhược, khí huyết không điều hòa.
Thịt lươn nấu với ngó sen ăn chữa rong kinh, băng huyết; cuốn lá lốt nướng ăn chữa tê thấp; hầm với rau dừa nước là thuốc bổ máu. Xương lươn đem phơi hoặc sấy khô giòn, rây bột mịn, uống với nước ấm chữa đau lưng.
An Lê (TH)