Nghỉ việc được 3 tháng, chưa kịp xin việc mới, Vân có bầu. Tin này là một tin tuyệt vời, bởi hai vợ chồng cô đã cố gắng có em bé suốt 2 năm qua, thuốc Bắc, thuốc Nam bổ dưỡng đã uống không biết bao nhiêu thang. Nhưng lúc ấy, cả hai vợ chồng cô đều đi làm, công việc ổn và thu nhập không đến nỗi nào. Bây giờ có thai, Vân nửa mừng nửa lo.
Cô thông báo với chồng, anh vui sướng ôm chặt lấy cô. Lúc ấy, cô cảm thấy có sự an ủi kì lạ. Chồng bảo cô cứ an tâm ở nhà dưỡng thai, anh ấy sẽ chăm sóc mẹ con cô chu đáo. Hai bên ông bà nội ngoại cũng sẽ giúp đỡ nhiệt tình nên cô thấy an tâm hơn.
Công việc chưa có nên Vân được chồng “gửi” về quê để mẹ chồng tiện chăm sóc vì anh đi làm cả ngày, lo cô ở nhà một mình suy nghĩ nhiều. Không muốn xa chồng nhưng thấy anh lo lắng và cũng để tiết kiệm chi phí ăn ở nên cô đành thu xếp quần áo, về quê ở với bố mẹ chồng.
Vấn đề xảy ra khi đồng lương ba cọc ba đồng của chồng cô từ lúc ấy phải hoàn toàn gửi về cho mẹ chồng. Cô không đi làm nên cũng không còn tự do về tài chính như trước nữa. Vậy là từ ăn uống, xăng xe, ngay cả tiền điện thoại của cô đều có định mức do mẹ chồng đặt ra. Cô đã trao đổi lại với chồng nhưng anh nói, điều ấy tốt cho cô, vì mẹ là người có kinh nghiệm nên những gì mẹ làm đều đúng và hợp lý.
|
Mẹ chồng quản lý tiền bạc khiến cô cảm thấy ngôt ngạt, khó sống chung (Ảnh minh họa) |
Vân cảm thấy bí bách vô cùng. 3 tháng đầu tiên cô bị ốm nghén, không ăn được gì ngoài uống nước lọc, ngay cả mùi cơm sôi cũng khiến cô buồn nôn. Mẹ chồng phải mua sữa bầu cho cô uống. Sữa bầu đắt, vài tuần lại hết một hộp nên mỗi lần mua sữa về, mẹ chồng đều xót ruột thông báo với cô rất to, rõ ràng: Hộp này bao nhiêu tiền, sẽ phải uống trong bao lâu, mỗi lần pha chỉ được pha 3 thìa gạt, không được pha hơn, uống phải tiết kiệm...
Không biết có phải do đang bầu bí nên cô dễ nóng giận, mẹ chồng nói đi nói lại làm đầu cô chỉ muốn nổ tung. Mỗi lần đi chợ hoặc mua đồ gì, mẹ chồng đều chỉ đưa đủ tiền, nếu thừa thì về phải gửi trả, có hóa đơn đàng hoàng. Đi mua áo bầu, mẹ cũng dặn nên mua loại rẻ tiền thôi, bầu bí không cần phải diện, ngày xưa cũng chỉ toàn mặc quần áo cũ. Không phải đòi hỏi gì nhưng cô thấy tủi thân và áp lực vô cùng. Mỗi lần chồng về thăm, chưa kịp nói nhớ nhung câu nào, đã bị cô trút cho bằng hết căng thẳng. Nhiều lúc anh chẳng nói câu nào, về một lúc rồi đi ngay.
May sao, nhờ người quen, Vân xin được vào làm ở một chỗ gần nhà. Họ đang cần người gấp, nên tuy có bầu, cô vẫn được nhận. Từ khi đi làm, cô thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn hẳn. Ngoài số tiền chồng đưa, Vân gửi thêm mẹ chồng một ít, còn lại tiết kiệm cho em bé. Cô cảm giác, mẹ chồng không còn nhìn cô theo kiểu “ăn không ngồi rồi” nữa. Tự cô giải phóng khỏi xung đột tinh thần do chính cô đã tạo ra với mẹ chồng. Vân suy nghĩ lại, thấy lúc trước cô đã chi tiêu hoang phí. Nếu biết tiết kiệm và ăn uống hợp lý, bây giờ đã để ra được một khoản nhất định chủ động cuộc sống trong khi chưa tìm được việc và không để tình trạng “ăn bám” dẫn tới căng thẳng.
Nhưng chưa quá muộn để bắt đầu, từ giờ cô sẽ phải lên kế hoạch mọi thứ! Quan trọng nhất là cô cảm nhận mẹ chồng không còn khó tính nữa và rất thoải mái với việc chi tiêu tiết kiệm, chặt chẽ của mẹ.
Theo Ngọc Hoa/PNVN