Tuy nhiên, giá sẽ cao gấp đôi nếu là sữa mẹ được lấy trong ngày, với một túi 250ml có giá lên tới 150NDT (500.000 đồng).
|
Sữa mẹ dư sẽ được cấp đông và bán từ 15-60NDT/ túi 250ml. (Ảnh minh họa) |
Dù việc mua và bán sữa mẹ về lý thuyết là bất hợp pháp - Bộ Y tế Trung Quốc không phân loại nó là một loại thực phẩm có thể được sản xuất và bán như hàng hóa - nhưng việc mua bán sữa mẹ cả trên mạng và ngoài thị trường vẫn rất phổ biến.
Li Xixi, một bà mẹ trẻ tại Thành Đô, Tứ Xuyên, có nhiều sữa. Sau khi cho con bú, cô vẫn thừa từ 750ml tới 1 lít sữa mỗi ngày. "Mỗi ngày, tôi dễ dàng kiếm được khoảng 200-300 NDT (670.000 - 1 triệu đồng)", Li khoe.
Một người làm trung gian trong việc mua bán sữa mẹ cũng cho biết các bà mẹ có thể kiếm được khoảng 7.000 - 8.000NDT (23-27 triệu đồng) một tháng. Một số người còn cai sữa sớm cho con hoặc ăn thêm thức ăn để có nhiều sữa bán.
Nhu cầu sữa mẹ càng ngày càng tăng khi số trẻ em được sinh ra năm ngoái tại Trung Quốc đạt mức cao nhất từ năm 2000 với 17,9 triệu. Gần một nửa trong số đó là con thứ hai, sau quyết định nới lỏng chính sách một con kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, việc mua bán sữa mẹ không phải mới mẻ tại Trung Quốc, đặc biệt là sau bê bối sữa bột (sữa công thức) năm 2008, khiến gần 300.000 em bé đổ bệnh. Trung Quốc đã mở ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Quảng Châu vào cuối 2013.
"Nếu tôi không có đủ sữa cho con, tôi sẽ mua sữa mẹ vì tôi không tin vào sữa bột", bà mẹ trẻ Fang Lu nói với CNN.
Chen Yi, một bác sĩ tại Thành Đô, cho biết sữa mẹ có các lợi thế tự nhiên hơn sữa bột, nhưng nếu một đứa trẻ không cùng độ tuổi với con của bà mẹ bán sữa có thể không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, cũng có những lo ngại về việc bảo quản sữa mẹ. Chúng có thể chứa các mầm bệnh và trở thành thức uống không an toàn.
Theo Sầm Hoa/Vietnamnet