Một người mẹ ở Hà Nội có tên tài khoản Facebook N.T.N. ngày 6/4 chia sẻ trên trang cá nhân về tình trạng nguy kịch của con gái sau khi chị dùng miếng dán chống say cho con mà không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Chị N. hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm một kinh nghiệm trong chuyện chăm sóc con cái, đặc biệt là khi dùng thuốc.
Theo chia sẻ của chị N, ngày 5/4, gia đình về quê thanh minh. Trước khi đi, chồng chị có ra hiệu thuốc mua miếng dán chống say cho con gái 6 tuổi. Vì chỉ mua một miếng nên anh không nhận được tờ hướng dẫn sử dụng và cũng không được người bán thuốc căn dặn gì thêm.
|
Miếng dán chống say bị tố gây ảo giác loạn tâm thần cho bé gái 6 tuổi. Hình minh họa |
Sau đó, chị N đã dán cho con từ 6h sáng, Khoảng 11h trưa khi bé đi chơi về mặt ửng đỏ. Chị tưởng con bị say nắng nên cũng chỉ bắt nghỉ ngơi. Trong toàn bộ chuyến đi, con gái chị cứ ngủ suốt và không bị nôn.
Đến khoảng 16h, chị N. bắt đầu thấy con gái có biểu hiện không bình thường. Bé luôn miệng nói nhảm, không nhận rõ vật, đi lại loạng quạng, thường bị đâm vào tường hoặc bàn ghế mà không biết. Cháu bé nhìn bố mẹ lại nhầm là bạn bè. Hành động của cháu lúc thì nhanh, lúc lại đờ đẫn nhưng người ngây dại.
Hoảng sợ, chị N. đã đưa con gái đi khám vì đoán con bị tác dụng phụ của miếng dán chống say, vốn chống chỉ định với trẻ dưới 8 tuổi, còn trẻ 8-15 tuổi chỉ nên dùng nửa miếng. Bác sĩ cho biết thuốc chỉ có tác dung trong khoảng thời gian nhất định, và không có cách nào để giải độc tố cho cháu bé ngay lập tức. Chị được khuyên cho con uống nhiều nước, dỗ con ngủ sẽ nhanh đỡ hơn. Chị đưa con về nhà tiếp tục theo dõi.
Đến tối, biểu hiện bất thường càng nặng. Cháu liên tục nói nhảm, hành động vô thức, tự cào cấu mặt mũi, la hét, liên tục bị va vào các vật cứng. Chị lại đưa con đi khám. "Bác sỹ nói mắt của con mình bị giãn đồng tử mạnh nên không nhìn rõ, kết hợp tác dụng của miếng dán chống say làm cháu bị ảo giác và rối loạn tâm thần. Càng về đêm tình trạng của con càng nặng hơn. Sợ con tự gây thương tích, chồng mình đành phải chuyển cho con sang cào cấu bố. Có lúc con nghiến ngấu cắn xé bố không thương tiếc", người mẹ viết.
|
Chia sẻ của chị N trên trang facebook cá nhân |
Tình trạng đó kéo dài đến 5h sáng thì cháu bé mới ngủ. Ngủ dậy, cháu tỉnh táo hơn nhiều, nhận biết được mọi vật nhưng nhìn vẫn mờ và nói xong vẫn bị quên, chân tay nhiều vết bầm tím, mặt mũi nhiều vết sẹo.
Trải qua một kinh nghiệm đáng sợ, chị N. muốn kể lại để các bà mẹ khác thôi tùy tiện và bất cẩn khi dùng thuốc cho con.
Theo các chuyên gia, thành phần chính trong miếng dán chống nôn là dược chất Scopolamin. Chất này có nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều. Nó tác động đến hệ thần kinh làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, rối loạn điều tiết mắt làm mờ mắt, hoa mắt, ảo giác…. Do vậy, không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu hoạt chất qua da và có thể gây ngộ độc.
Tiến sĩ dược học Nguyễn Hữu Đức, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, khuyên rằng, miếng dán chống nôn nên được sử dụng 4 giờ trước khi lên xe là tốt nhất, bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, không dùng miếng dán này cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 8 tuổi và những người dị ứng với thành phần của thuốc. Trẻ 8 - 15 tuổi mỗi lần chỉ được dùng nửa miếng dán.
Khi đang sử dụng, nếu thấy có những triệu chứng bất thường như đã kể trên thì phải gỡ miếng dán ra ngay lập tức, rửa tay thật kỹ để thuốc còn sót lại không dính vào thức ăn, nước uống, vô tình đưa vào cơ thể và gây ra hậu quả khó lường.
Thu Nguyên