Thông tin đăng tải mới đây trên tờ China News, Trung Quốc cho thấy, khi sử dụng vòi nước hoặc ống dẫn chất lượng thấp, người tiêu dùng dễ bị nhiễm độc kim loại nặng, gây ngộ độc mạn tính. Theo các chuyên gia, điểm tiếp xúc giữa vòi nước và nguồn nước kém chất lượng dễ bị han gỉ. Bản thân những loại vòi nước này chứa nhiều hàm lượng kim loại nặng như chì, nickel, cadmium...
Khi vòi nước bị gỉ, kim loại nặng sẽ hòa tan vào nước và đi vào cơ thể con người thông qua đường ăn, uống. Lâu dần những chất này tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Trong số các kim loại nặng có thể bị hòa tan vào trong nước nói trên, chì có độc tính cao. Sau khi bị nhiễm độc chì, hệ tuần hoàn máu, hệ tiêu hóa sẽ bị tổn hại dẫn đến ảnh hưởng tới chức năng bình thường của cơ thể.
Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường đồ điện nước luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu khách hàng với đủ chủng loại cùng mức giá. Chỉ cần điểm qua một vài cửa hàng là thấy các loại vòi nước giá rẻ được bày bán la liệt với giá thành chỉ rẻ bằng 1/5 đồ chất lượng tốt.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, vòi nước đúng chuẩn thường được làm bằng các vật liệu không sét gỉ là thép không gỉ hoặc inox với quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Những sản phẩm bị gỉ sét trong quá trình sử dụng thường là do kim loại thay thế kém chất lượng, ví dụ như kẽm. Kẽm có thời gian sử dụng ngắn, dễ bị nứt, rò rỉ và giá thành chỉ bằng 1/3 của thép không gỉ. Chính vì vậy, sản phẩm rất dễ oxy hóa và có tuổi thọ ngắn. Vòi nước bị gỉ lâu ngày sẽ khiến cho nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.
TS Nguyễn Văn Minh, Viện Khoa học Vật liệu cho hay, thành phần inox thường có 18% crom, 8% niken, còn lại là sắt và các thành phần khác. Vì thành phần niken rất đắt nên trong một số trường hợp, người ta có thể thay thế niken bằng mangan. Mangan có độ ăn mòn thấp nên khả năng người dùng bị nhiễm kim loại rất cao.
|
Ảnh minh họa. |
Theo TS Nguyễn Văn Minh, các vật liệu có giá thành rẻ được sử dụng hoặc pha tạp nhiều chất kim loại khác nhau, các chất mạ kim loại nặng trong vòi nước, khi đi vào cơ thể sẽ tạo nên tích tụ kim loại nặng, gây hại cho sức khoẻ, tiềm ẩn những bệnh nguy hiểm như ung thư, hủy hoại hệ thống gan, thận... Rất dễ dàng để nhận biết các loại vòi nước kém chất lượng, ngoài việc lựa chọn sản phẩm chính hãng, giá thành cao hơn thì chỉ cần quan sát màu sắc, các chi tiết của sản phẩm là phân biệt được. Inox kém chất lượng thường nhanh bị xỉn màu khi sử dụng, các vết xám ố dễ xuất hiện, thậm chí bề mặt còn có thể bị nỏ, bong tróc...
Ngoài ra, ngay cả với những vòi nước đúng chuẩn mà sử dụng nguồn nước không đảm bảo cũng dễ làm cho vòi nước bị biến màu. Tốt nhất là nên thường xuyên súc rửa, lau chùi các vòi nước, các bộ phận lọc nước của vòi để loại bỏ chất cặn bẩn. Theo các chuyên gia, để phòng tránh nguy cơ nhiễm kim loại, nên xả bỏ nước đầu trước khi sử dụng. Mỗi sáng ngủ dậy hãy xả bỏ nước từ 1 - 5 phút, buổi chiều đi làm về cũng làm tương tự nếu cả ngày không có người ở nhà. Nước xả ra có thể tận dụng để tưới cây, dùng cho nhà vệ sinh... Trường hợp sống ở vùng có nước sinh hoạt nhiễm kim loại nặng thì bắt buộc phải có hệ thống lọc trước khi sử dụng.
Đối với vòi nước, các vết xỉn, cặn bám bẩn để lâu ngày không chùi rửa cũng sẽ làm hỏng kim loại, tạo ra sự ăn mòn dẫn đến các vết gỉ sét. Việc vệ sinh thường xuyên vòi nước với các dung dịch chuyên dụng cần phải được chú trọng.
Theo các chuyên gia, khi vệ sinh vòi, chậu rửa bát, chậu rửa mặt thì nên chọn loại nước tẩy rửa bằng kem vì sẽ có tác dụng tốt nhất. Bởi chúng có thể đánh bay mọi vết bẩn một cách dễ dàng mà không làm chảy, làm tràn như loại dung dịch. Hãy thường xuyên chú ý và sửa chữa vòi nước rửa bát, vòi nước ở chậu rửa mặt... để ngăn việc có những vết ố, vết gỉ và cặn váng. Làm sạch chậu rửa, vòi nước hằng ngày sẽ ngăn chặn sự phát sinh chất bẩn và vết ố.
Bảo Khánh