Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã để cọ trang điểm sạch tại nhiều nơi như bàn trang điểm trong phòng ngủ, trong túi xách, trong hộp đựng dành riêng cho cọ túi xách, ngăn kéo và giá đỡ phòng tắm. Sau 2 tuần, họ thu lại và so sánh với tấm thảm bệ ngồi trong nhà vệ sinh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng bất kể cọ trang điểm được cất ở đâu, số lượng vi khuẩn đều bằng hoặc nhiều hơn so với thảm đặt trong nhà vệ sinh.
|
Từ trái sang phải là số vi khuẩn trong thảm bồn cầu, cọ trang điểm mới, cọ được để trong hộp chuyên dụng, cọ trong túi đựng chuyên dụng, cọ trong túi xách. Ảnh: Spectrum Collections.
|
Nhà khoa học mỹ phẩm Carly Musleh cho biết cọ trang điểm có thể là nơi truyền vi khuẩn, tế bào da chết và dầu từ mặt sang sản phẩm. Mặc dù không phải tất cả loại vi khuẩn đều có hại, việc thường xuyên sử dụng cọ bẩn có thể dẫn đến mụn trứng cá hoặc khiến da trở nên tệ hơn.
"Sử dụng cọ trang điểm bẩn có thể gây mất cân bằng số lượng vi khuẩn lành mạnh, tăng số lượng vi khuẩn gây ra mụn hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh chốc lở hoặc nhiễm trùng", bà Musleh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sạch cọ trang điểm thường xuyên.
Theo khảo sát của công ty dụng cụ làm đẹp, 40% khách hàng cho hay họ vệ sinh cọ 2 tuần/lần, 20% thừa nhận giặt cọ 1-3 tháng/lần. Trong khi đó, Hiệp hội Da liễu Mỹ khuyên người dùng nên giặt cọ cách 7-10 ngày/lần.
Ngoài việc bảo quản cọ trong hộp kín để tránh mảnh vụn, vi khuẩn hoặc bụi trong không khí, mọi người nên giặt cọ bằng chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc dầu gội dịu nhẹ trong nước ấm, thấm khô bằng khăn sạch.
Sau khi làm sạch, bạn nên để chúng ở nơi thoáng mát và làm khô bằng cách treo ngược hoặc đặt chúng nằm nghiêng.
Trước đây, các thí nghiệm với cọ trang điểm cũng cho ra kết quả tương tự. Không chỉ thế, một chuyên gia làm đẹp còn khuyên người dùng nên vệ sinh cọ thường xuyên, ngay cả sau một lần sử dụng.
Theo Linh Thùy/Zing