Gạo là loại thực phẩm chiếm tỉ trọng cao trong khẩu phần ăn của nhiều người trên thế giới và hiện nay chúng ta thường sử dụng chủ yếu là hai loại gạo phổ biến gạo trắng và lứt. Liệu gạo lứt có mang lại sự kỳ diệu cho sức khỏe?
Những chất dinh dưỡng có trong gạo lứt
Theo báo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, gạo chiếm 19% tổng số lượng calo được tiêu thụ trên toàn thế giới. Trong đó, gạo trắng và gạo lứt là 2 loại gạo phổ biến nhất. Nếu như loại gạo trắng được sản xuất là tách bỏ vỏ trấu bên ngoài, kèm theo đó là loại bỏ luôn cả lớp cám chứa chất dinh dưỡng Magie, chất xơ không hòa tan khiến cho gạo trắng có lượng gluco cao sẽ làm tăng nhanh chỉ số đường và là nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường.
Gạo lứt lại giữ được nguyên lớp vỏ cám bên trong nhờ vậy hạt gạo rất giàu chất xơ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, vitamin: B1, B2, B3, B6, canxi, sắt, kẽm. Lượng đạm được giữ lại cũng khá cao khoảng 7,6% đam/100g gạo. Vì vậy, gạo lứt đang được nhiều người lựa chọn thay thế cho gạo trắng với mục đích cải thiện sức khỏe.
Trên thế giới có khoảng 3,5 tỷ người ăn gạo chiếm 50% dân số. Ở Việt Nam, số người ăn gạo chiếm đến 99%. Việt Nam lại là nước có nền kinh tế xuất khẩu gạo đứng thứ hạng cao trên thế giới nên việc tìm mua gạo ngon trong nước không phải là quá khó.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại gạo trong siêu thị, đại lý gạo trong các chợ. Thậm chí đặt mua trên các trang mạng bán hàng online. Đặc biệt các cửa hàng thực dưỡng còn chế biến gạo lứt sẵn thành nhiều loại thực phẩm như bún, hủ tiếu, phở hay các loại bánh, sữa. Người tiêu dùng có thể chọn mua các loại gạo lứt dưới các như tím, trắng, vàng, đỏ và đen với giá thành giao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg.
Với nhiều phương thức mua bán dễ dàng như vậy, tuy nhiên chất lượng gạo lứt hiện nay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ khi nguồn gốc, xuất xứ thương hiệu của các sản phẩm này rất khó kiểm soát. Đa phần người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu xem đó có phải là gạo lứt hay không chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc tìm hiểu về nguồn gốc, quy trình sản xuất của loại gạo này.
Chuyên gia y tế tư vấn
Các chuyên gia dinh dưỡng gạo lứt là thực phẩm có ích cho cơ thể, nhưng với điều kiện phải sạch, tức là không chứa chất tồn dư hóa chất, chất bảo quản. Vì thế, khi chọn mua, người tiêu dùng cần chú trọng chọn loại gạo có kiểm nghiệm hoặc chứng nhận trồng trọt bằng phân hữu cơ hoặc không chất hóa học. Ngoài ra, cần lưu ý, gạo lứt có thời hạn sử dụng từ 4 đến 5 tháng. Nếu để lâu thì chất dầu trong lớp cám gạo sẽ bị hư, có mùi và không sử dụng được. Khi mua, người tiêu dùng cần kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng và nên mua với số lượng vừa phải. Lưu ý khi nấu gạo lứt không nên ngâm quá lâu, vo gạo quá kỹ sẽ làm vitamin B1 bị hòa tan trong nước.
Đối với những người chuyển từ gạo trắng sang gạo lứt để thay khẩu phần ăn hàng ngày thì cần có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng người.
|
Những người sử dụng gạo lứt nên lưu ý khi đã sử dụng lâu dài và thường xuyên thì phải kết hợp gạo lứt và gạo trắng |
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết: “Gạo lứt muối mè cần năng lượng cơ bản, nhưng đó chỉ là một năng lượng chưa đủ những thành phần dinh dưỡng như đạm, đường, mỡ, chất khoáng, chất xơ,… Thỉnh thoảng ăn có thể được nhưng nếu ăn trong thời gian kéo dài dẫn đến cơ thể sẽ bị thiếu chất dẫn đến các hoạt động tế bào không hiệu quả, cơ thể dễ bị mệt mỏi và bị một số bệnh lý khác”.
Ths Trương Nhật Khuê Tường – Khoa Dinh dưỡng và tiết chế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM: “Gạo lứt ưu điểm là có chất đạm và chất xơ hơn chất đường bột. Chính vì chất xơ nhiều hơn có tác dụng nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa nhiều hơn, đóng vai trò như một màng lọc đối với người bị đái tháo đường, miếng lọc làm giảm hấp thu đường huyết. Những người bị bệnh đái tháo đường sẽ kiểm soát đường huyết của họ tốt hơn. Ngoài ra, do hạt gạo của gạo lứt cứng hơn nên khi nhai họ phải nhai kỹ, nhai lâu hơn nên sẽ có cảm giác no hơn rất thích hợp với người giảm cân.
Không nên sử dụng gạo lứt để thay thế hoàn toàn gạo trắng. Một số vấn đề gần đây là gạo lứt có chứa chất hóa học nặng Arsen, kim loại này tồn tại ở trong sông, hồ nước cũng như khu vực trồng gạo lứt. Tỉ lệ chất hóa học này ở trong gạo lứt nhiều hơn so với gạo trắng. Nếu sử dụng thường xuyên, hoàn toàn gạo lứt thì các nhà khoa học cho rằng sẽ làm tăng nguy cơ mắc những bệnh mạn tính, kể cả những bệnh nặng hơn.
Với đặc điểm và giá trị dinh dưỡng của gạo lứt đang mang lại sẽ phù hợp với một số đối tượng, tuy nhiên cũng có một số đối tượng không nên sử dụng gạo lứt là trẻ em, người lớn tuổi hoặc những người đang có vấn đề về tiêu hóa vì gạo cứng hơn sẽ khó tiêu hơn. Nếu như không nhai kỹ hoặc không nấu chín thì sẽ gây các vấn đề tiêu hóa.
Đối với phụ nữ mang thai thì nên sử dụng gạo trắng vì acid folic và sắt ở trong đó sẽ nhiều hơn gạo lứt. Ngoài ra, những người mắc bệnh mạn tính như bệnh thận cũng không nên sử dụng gạo lứt vì trong gạo lứt có chứa khá nhiều cali, magie,…- không thể lọc được ra khỏi cơ thể dẫn đến ứ lại gây khó chịu hoặc làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Chính vì vậy không phải đối tượng nào sử dụng gạo lứt sẽ làm tối ưu hóa ưu điểm của gạo lứt.
Nếu như chúng ta xem gạo lứt là nhóm thực phẩm đại diện cho nhóm bột thì bữa ăn sẽ còn thiếu chất đạm từ thịt cá, các loại đậu, rau củ, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nếu dùng gạo lứt để thay thế các loại thực phẩm thì đây là quan niệm rất sai lầm. Nên khi sử dụng gạo lứt thì vẫn dùng kèm với thức ăn như trên, như vậy bữa ăn mới hoàn chỉnh.
Đối với những người sử dụng gạo lứt thì nên lưu ý khi đã sử dụng lâu dài và thường xuyên thì phải kết hợp gạo lứt và gạo trắng.
Theo Linh An- Hải Đường/ Phụ nữ Việt Nam