Tự ti, không dám bắt tay ai
Hương Anh (22 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cô bị mắc chứng ra mồ hôi tay quanh năm. Mùa hè, thời tiết nóng nực mồ hôi ra tay đã đành nhưng mùa đông lạnh buốt tay vẫn dấp dính mồ hôi.
Tình trạng này càng trở nên trầm trọng nếu lúc đó Hương Anh gặp vấn đề gì khiến cô căng thẳng, lo lắng.
“Nhớ mãi lần đầu tiên tôi được giao đi gặp đối tác. Một mình thực hiện nên tôi chuẩn bị khá kỹ nội dung bản hợp đồng, dự phòng cả những tình huống có thể phát sinh để thuyết phục đối tác.
Tôi đến gặp khách hàng có chút lo lắng, hồi hộp. Nhưng vừa đến nơi, đối tác chủ động chìa tay ra bắt thì tôi lại ngập ngừng. Chỉ trong tích tắc mất bình tĩnh, bàn tay tôi đã kịp ra mồ hôi ướt nhẹp trong khi đối tác vẫn đang chờ đón cái bắt tay giao đãi.
Không còn cách nào, tôi đành chìa bàn tay đầy mồ hôi ra… mà không khỏi ngượng ngùng.
TS. BS Nguyễn Hữu Quang thăm khám cho bệnh nhân
Sự tự tin biến mất, cả buổi làm việc tôi liên tục phải lau tay và gần như mọi sự chuẩn bị của tôi về các điều khoản hợp đồng đều biến mất. Kết quả, là sau một hồi nghe tôi lắp bắp giải thích, ông chủ của doanh nghiệp lịch sự nói rằng… sẽ xem xét kỹ hơn mà không ký ngay hợp đồng như dự kiến ban đầu của bên tôi”, Hương Anh than phiền.
Sau lần đó, cô gái trẻ này không bao giờ dám chìa tay cho ai bắt, đồng thời cô đã phải đến viện cầu cứu bác sĩ. Tại bệnh viện cô được chẩn đoán bị tăng tiết mồ hôi tay. Đây là căn bệnh 1% dân số mắc. Tuy nhiên, vì một vài lý do, cô gái này cân nhắc chưa thực hiện phẫu thuật.
Được biết, trường hợp của Hương Anh không phải là hiếm gặp. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, hàng tháng tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân điều trị chứng tăng tiết mồ hôi tay, chân.
Chị N.T.H, 33 tuổi, ở Nam Định mắc chứng tăng tiết mồ hôi tay từ nhỏ, lúc nào bàn tay cũng ẩm ướt dù trời lạnh hay nóng nực. Đặc biệt những lúc tâm lý căng thẳng, stress, hai bàn tay chị H mồ hôi chảy ròng ròng.
Người phụ nữ này cũng “sợ” nhất khi “phải gặp đối tác”. “Cứ nghĩ đến đoạn bắt tay giao tiếp mà bàn tay ẩm ướt tôi thấy rất mặc cảm và tự ti. Bực nhất, mỗi khi gặp phải khách khó tính khiến tâm lý căng thẳng, khi ấy mồ hôi tay tôi cứ chảy ròng ròng. Thấy ai mách ở đâu bán thuốc chữa bệnh này tôi cũng áp dụng nhưng không hiệu quả”, chị T. H cho biết.
TS.BS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ & PHCN, tăng tiết mồ hôi tay là lòng bàn tay lúc nào cũng ẩm ướt kể cả khi thời tiết lạnh giá. Tỷ lệ người mắc chiếm 1% dân số. Mặc dù tăng tiết mồ hôi tay không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, nhưng có thể gây nhiều phiền toái trong công việc và cuộc sống của người mắc phải.
“Bàn tay lúc nào cũng ẩm ướt, ra nước nhiều khiến tay lúc nào cũng bị lạnh. Nếu không giữ vệ sinh tốt, da dễ bị tổn thương do nhiễm khuẩn, dẫn đến viêm móng, viêm đầu ngón, kẽ tay hoặc nấm và lở loét bàn tay”, bác sĩ Quang cho hay.
TS. BS Hữu Quang lý giải, tiết mồ hôi là hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể do tuyến ecrine và apocrine kết hợp nhằm làm ẩm da và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Tuyến ecrine có ở khắp bề mặt da của cơ thể, bài tiết ra nước và điện giải. Tuyến apocrine có ở các vùng nếp gấp như bẹn, nách - bài tiết chất béo. Nhưng khi mồ hôi bài tiết nhiều quá sẽ thành bệnh.
“Trước kia để điều trị bệnh này, bác sĩ đã dùng biện pháp châm cứu, đông y kết hợp với điện di bàn tay nhưng hiệu quả không cao. Thậm chí, trước đó nữa bác sĩ đã dùng biện pháp tiêm nước sôi giúp điều hòa giữa thần kinh giao cảm và đối cảm, tuy nhiên, đường tiêm từ sau lưng đi vào hạch là đường tiêm mò, nên dễ để lại biến chứng như chọc vào mạch máu, gây chảy máu, dính phổi…”, TS. BS Hữu Quang thông tin.
Ngày nay, khoa học phát triển, các bác sĩ áp dụng đốt hạch giao cảm qua mổ nội soi, tỷ lệ thành công cao, không mất máu, không để lại sẹo. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn trải qua cuộc mổ và không triệt để bởi quy luật tiết mồ hôi bù trừ, tức là sẽ tiết sang vùng khác.
Có thể điều trị dứt điểm
Bác sĩ Quang cũng cho biết, điều trị tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay tuy khó nhưng ngày nay đã trở nên đơn giản nhờ phương pháp tiêm Botulinum toxin. Bởi trước đây, khi tiêm Botulinum toxin vào lòng bàn tay các bác sĩ phải dùng phương pháp gây mê. Nếu vô cảm không tốt, có nghĩa là không gây mê hoàn toàn thì người bệnh không giảm đau được, sẽ rất khó thực hiện.
“Vì thế chúng tôi đã nghiên cứu phương pháp vô cảm vào nhánh dây thần kinh. Tức là chỉ cần tiêm thuốc tê vào 1 - 2 điểm gốc dây thần kinh, có thể vô cảm hoàn toàn lòng bàn tay và lòng bàn chân. Khi tiêm Botulinum toxin, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo.
TS. BS Nguyễn Hữu Quang thực hiện tiêm Botulinum toxin cho bệnh nhân bị mồ hôi tay
Thường sau tiêm 3-5 ngày sẽ thấy hiệu quả, và sau 1-2 tuần sẽ đạt hiệu quả tối đa của thuốc. Theo các nghiên cứu, mỗi lần tiêm Botulinum toxin sẽ có tác dụng khoảng 6-9 tháng. Nếu tiêm nhắc lại liên tiếp 4 lần thì hiệu quả kéo dài trên 5 năm”, BS Hữu Quang thông tin.
Trở lại với trường hợp bệnh nhân T. H (Nam Định) hai năm nay chứng ra mồ hôi tay của chị đã chấm dứt khi sử dụng kỹ thuật tiêm Botulinum với 4 liệu trình theo sự chỉ định của bác sĩ.
Là người trực tiếp điều trị cho chị H, TS.BS Nguyễn Hữu Quang cho biết, việc xác định các vị trí tiêm, cũng như tính toán được hàm lượng thuốc bao nhiêu, sẽ ức chế tốt việc dẫn truyền thần kinh cơ/thần kinh tuyến để không tiết mồ hôi.
“Nhưng nếu tiêm không đúng lớp, không đúng vị trí thì thuốc có thể khuếch tán vào cơ, dẫn đến bị liệt cơ (yếu bàn tay, không có duỗi được...). Hoặc tiêm nhiều, mạnh tay sẽ khiến tay bị khô như da rắn. Do vậy, người bệnh cần đến cơ sở có đủ trang thiết bị và kỹ thuật để tránh tai biến không đáng có”, TS.BS Nguyễn Hữu Quang phân tích.
Được biết, Botulinum toxin là độc tố, đã được FDA chứng nhận khá an toàn và hiệu quả cho điều trị tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách, và cũng có thể điều trị các vùng khác như trán, ngực, bụng...
TS. BS Nguyễn Hữu Quang nhấn mạnh, một trong những điểm khác biệt ở tiêm Botulinum toxin giúp điều trị dứt điểm chứng tăng tiết mồ hôi tay là chúng tôi lựa chọn vùng, điểm tiêm và liều lượng, giúp lòng bàn tay không bị quá khô, vẫn có đủ lượng mồ hôi để điều hòa cơ thể. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều rủi ro, đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao và hiểu rõ về kỹ thuật này.
Theo N. Huyền/Infonet