Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi hay bảo vợ: “Chuyện đâu bỏ đó, cấm bà không được… tha lôi về nhà. Đi làm vất vả suốt ngày, về nhà còn phải làm, phải suy nghĩ thêm mới hết công việc hay sao”.
Vậy mà bà xã cứ nhằm khi cả nhà ăn cơm tối, mới đem ra nói đủ thứ từ chuyện nhà, chuyện con cái, đến chuyện xã hội, chuyện bạn bè bàn cãi những gì. Tôi chịu đựng, im lặng, nói ngắn gọn, hoặc bảo cô ấy đừng có chuyện gì ngoài đường cũng đem về nhà nói, làm mệt mỏi hết cả đầu óc. Cũng đôi khi tôi phải quát lên, than mệt, cô ấy mới chịu im. Vợ chồng toàn cãi nhau chuyện ngoài đường không hà.
Tôi nghĩ nhà chỉ là nơi sinh hoạt yên ổn, là tổ ấm chứ đâu phải… hội nghị. Nhưng bảo vậy là cô ấy giận. Cô bảo tôi không hiểu gì phụ nữ, chỉ biết ích kỷ theo ý mình.
Mà ngày xưa khi còn yêu nhau, tìm hiểu thì cô ấy ít nói lắm, nhiều khi cô giận gì, mình cứ phải dò hỏi đoán mãi mới ra để sửa sai, mà bây giờ thì nói quá trời.
Tôi biết làm sao ạ?
Phan Văn Yên (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Kính gửi anh Yên,
Chuyện về “nói nhiều là đặc điểm của phụ nữ” tưởng anh phải biết lâu rồi chứ. Cũng có nhiều đàn ông để ý một cô chỉ vì thấy cô “ít nói dịu dàng” - để rồi khi thành vợ mới biết mình… nhầm. Rồi thì nhận định ngược lại: đàn bà tuy nói nhiều nhưng lại dễ hiểu, phổi bò. Chứ mấy cô im im là… ghê lắm.
Khoa học cũng chứng minh rồi, tôi “dẫn” đại khái dễ hiểu thế này: não đàn ông có nhiều ngăn chứa các thông tin khác nhau, việc gì ra việc ấy. Còn não phụ nữ hễ có một vấn đề là nó… choán hết, làm họ suy nghĩ căng thẳng, phải nói ngay để giải tỏa, “tống” vấn đề ra ngoài. Thế nên ta biết bức tượng “người suy tưởng” nổi tiếng của Rodin mới là một người đàn ông.
Nhưng người ta cũng cãi nhau ghê lắm về vấn đề này. Có người còn bảo đàn ông lấy được vợ nói nhiều là… “phúc ba đời” (chắc nghe đến đây nhiều ông nhảy nhổm phản đối nhỉ?).
Lý lẽ là: bả nói nhiều, ta dễ hiểu… lý do. Việc nhà mê hồn trận làm vợ phát điên, là vì nói mãi chồng có chịu nghe chịu sửa đâu, còn nói là còn lo cho cha con. Chứ bả bỏ mặc, không thèm nói nữa, đi… đánh bạc chẳng hạn, thì cha con các ông chỉ có mà… ăn cám. Rồi phải tự hỏi xem, cuộc sống gia đình đã làm gì để biến một cô gái mình mê mệt sau thời gian chung sống bỗng biến đổi như vậy?
Bây giờ vào chuyện nhà anh nhé - đúng gia đình là tổ ấm, nơi tránh mọi bão giông - nhưng muốn được vậy đâu đơn giản. Nó đòi hỏi nhiều thứ lắm: vợ chồng thương yêu, ra sức chăm sóc tổ ấm, lại phải là những người hiểu chuyện. Có khi việc ngoài đường mang suy nghĩ đạo lý đúng sai, nó giúp con người nhìn nhận và biết cách xử lý. Gọi đó là bài học kinh nghiệm cũng được đi.
Vì vậy, anh nên hiểu khi vợ nói với anh nhiều thứ như vậy, có khi nào đó là “tín hiệu” cần sự quan tâm lắng nghe của chồng hay không? Có khi là việc vợ chưa rõ chồng đánh giá chuyện đó có giống mình hay không; hoặc nói về sự cố con cái, tài chính, mối quan hệ bà con… có phải là một cách vợ tế nhị “xin ý kiến chỉ đạo” từ chồng hay không?
Bây giờ hễ có vấn đề gì là mạng xã hội “cãi nhau như mổ bò”, tìm sự thật đúng sai rất quan trọng và không hề dễ. Biết đâu vợ chồng thảo luận lại tìm ra cách hiểu đúng thì sao?
Vì vậy anh cũng nên tham gia hợp lý các câu chuyện của vợ, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo khi nào vợ quan tâm quá mức những điều nặng nề vô bổ, chứ đừng quát mắng hay cãi nhau với cô ấy. Vì khi cãi nhau thì đâu còn là tổ ấm êm đềm như anh mong muốn nữa!
Thân chúc anh chị nhiều niềm vui và sự hòa hợp.
Theo HẠNH DUNG/phunuonline