Rêu là một loài thực vật thường mọc trên đá ở các con suối và là nguồn thức ăn yêu thích của nhiều loài cá. Thế nhưng ít ai biết, người dân ở một ngôi làng nằm sâu trong thung lũng núi Hà Giang lại xem đây như một loại “đặc sản” còn quý hơn cả lúa gạo. Không những thế, nhiều vị cao niên trong làng còn cho biết, họ có sức khỏe và sống thọ đến bây giờ là nhờ ăn rêu?!
|
Chị Mến nói về cách chế biến món ăn từ rêu.
|
Món ăn kỳ lạ
Trong chuyến đi thực tế vùng miền núi Đông Bắc, chúng tôi đã có dịp ghé thăm thôn Trung, xã Xuân Giang (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Tại đây, lòng hiếu khách của những người dân bản địa khiến chúng tôi khó có thể chối từ. Ngồi cùng gia chủ bên mâm cơm đạm bạc, người viết được nghe kể khá nhiều điều mới lạ về vùng đất này. Song ấn tượng hơn cả là món ăn được xem như một thứ “đặc sản” mà người dân nơi đây đem ra thết đãi khách. Điều này khiến chúng tôi nhớ ngay tới hình ảnh vô tình bắt gặp khi mới bước vào thôn Trung. Những đứa trẻ mới chừng 9 – 10 tuổi đeo bên hông một chiếc giỏ đi xúc rêu hay những cụ già tuổi đã ngoài thất thập cũng xuống suối nhặt rêu mang về. Song trí tưởng tượng có phong phú tới đâu chúng tôi cũng không ngờ được rằng đó lại là món cho người ăn. Đem thắc mắc này hỏi các cụ già cùng mâm cơm hôm đó mới biết, ở vùng đất này rêu đá được “chuộng” hơn cả thóc gạo, nhà nhà, người người đều biết ăn rêu.
Theo lời già làng ở vùng này kể, rêu người dân ở đây ăn không phải rêu thường mà là loại rêu mọc tự nhiên trên đá và chỉ có ở những con suối trong vắt. Thế nhưng khi hỏi về chuyện ăn rêu đã có từ bao giờ thì người dân nơi đây không ai hay biết. Họ chỉ biết có một câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác rằng, ở vùng này “thần rêu” sinh ra con người. Do đó con người phải có bổn phận bảo vệ loài rêu. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Miện (73 tuổi) miệng đang móm mém nhai trầu nói: “Từ khi mới sinh ra tôi đã thấy bố mẹ mình lấy rêu về ăn. Cũng bởi lẽ đó mà từ khi miệng tôi có răng để nhai thì đã biết đến mùi vị của rêu rồi. Ở vùng này, hồi tôi còn trẻ người ta làm ruộng ít lắm. Khi đói kém, nhà nào cũng đi xúc rêu về ăn thay cơm. Ấy vậy mà ai nấy đều khỏe mạnh, có thể đi rừng săn thú được”.
|
Món rêu hấp dẫn sau khi đã nướng chín
|
Theo bà Miện, chuyện về rêu được người đời truyền tụng có lẽ là bởi trong những năm tháng đói kém, rêu đá đã trở thành món ăn cứu sống nhiều người ở vùng đất này nên người ta mới quý đến như thế. Trong nhiều tập tục của người dân nơi đây cũng đều nhắc đến rêu. Ví như lễ cầu được mùa, người ta cũng cầu cho “thần rêu” sinh sôi nảy nở, để người dân nơi đây không còn phải chịu cảnh đói kém khi ngũ cốc mất mùa.
Nhiều cụ cao niên trong làng còn cho biết, rêu đã đi sâu vào văn hóa, lối sống của đồng bào nơi đây hàng thế kỉ. Khi bố mẹ mất đi, những người con phải kiêng không được phép ăn Quẹ (tiếng Tày có nghĩa là rêu đá - PV) trong một tháng. Bởi lẽ, họ cho rằng ăn rêu nghĩa là chính những người con sống trên dương gian đang gặm nhấm mái tóc của người mẹ, người cha mới khuất. Cũng vì sự “chuộng” ăn rêu từ lâu đời nên nhiều người ở thôn Trung đã sáng tạo ra nhiều cách chế biến món ăn này vô cùng ngon miệng, khiến bất cứ ai lần đầu được thưởng thức cũng phải gật đầu khen ngon. Có lẽ chính vì người dân nơi này thường ăn những sản vật từ rừng, rau quả tự nhiên mà nhiều người đã quá ngưỡng cửu thập ở đây vẫn khỏe mạnh, dẻo dai. Thậm chí nhiều người còn khẳng định nhờ ăn Quẹ mà họ sống lâu được như thế.
“Kỹ nghệ” biến rêu thành món ăn ngon
Bà Hoàng Thị Miện kể chuyện về rêu.
Nghe lời kể của người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi tò mò, muốn được học cách chế biến món ăn từ loài rêu này. Tuy nhiên cần phải có người hướng dẫn kỹ càng. Theo lời giới thiệu của các bô lão trong bữa cơm hôm ấy, chúng tôi men theo con đường đất tìm đến nhà chị Hoàng Thị Mến, người được xem là chế biến rêu ngon nhất vùng.
Chị Mến tuổi ngoại tứ tuần, thật thà và mến khách. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn học về cách chế biến rêu, chị cười bảo: “Đơn giản thôi các chú ạ. Hầu hết mọi người ở đây đều biết làm món ăn này. Tuy nhiên tôi phải nói trước là công đoạn chế biến rêu thành món ăn mất khá nhiều thời gian bởi rêu nguyên liệu chứa rất nhiều sạn”. Sau khi mời khách vào nhà uống nước, chị Mến tay xách hai cái rổ cùng hai túi nói với vẻ mặt nghiêm túc: “Nếu các anh thực sự muốn thử làm món này thì phải biết cách lấy rêu đã rồi mới nói đến cách làm được”. Chính vì thế, mấy anh em chúng tôi mới lon ton theo chị đi về phía thượng nguồn của con suối chạy qua làng Trung nhặt rêu. Trong quá trình nhặt rêu, chị Mến cũng nhắc nhiều về sự ô nhiễm nguồn nước mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính người dân nơi chị sống. Bởi thế mà rêu ngày càng mọc ít hơn trước.
Theo chị Mến, quá trình nhặt rêu cần phải kiên nhẫn và tỉ mỉ mới có được rêu sạch và ngon mà không có sạn. Tuy cùng một loại Quẹ, người chế biến có thể làm ra được nhiều món ăn khác nhau nhưng không thể bỏ qua bước sơ chế này. Chị Mến cho hay: “Ngày xưa, các cụ thường dùng đá vừa đập vừa rửa rêu tới 3 lần mới mang về chế biến thành món nhưng ngày nay để làm được ăn nhanh hơn thì người ta thường cho vào cối rồi giã. Bước tiếp theo là cho các loại gia vị như xả, rau hẹ, hạt rổi, mùi tàu. Sau đó đem nướng trên than hồng hoặc nấu canh đều rất ngon. Những người sành nhậu thì hay nướng cho rêu chảy hết nước, chỉ còn lại rêu và phụ gia. Những đám cưới ở đây cũng thường làm kiểu đó”.
Chia tay chị Mến, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mạn, người được xem là cao tuổi nhất làng Trung này. Cụ Mạn năm nay dù đã bước sang tuổi 92 nhưng trí nhớ của cụ vẫn còn khá minh mẫn. Cụ bảo, vào những năm kháng chiến chống Pháp, giặc lập đồn ở ngay xã bên để vơ vét của cải của nhân dân. Bấy giờ, bà Mạn còn phải đi múa, hát điệu Then phục vụ chúng. Thời điểm ấy, nơi nơi nạn đói hoành hành, người chết giữa đường như ngả rạ. Nhưng chỉ duy nhất làng Trung là không có ai chết vì đói vì rêu là ân nhân cứu cả làng.
Bà Mạn cho biết: “Cho đến bây giờ, tôi cùng những người cao tuổi trong làng thi thoảng vẫn gặp nhau, ôn lại chuyện ăn rêu ngày đó. Bởi trong hoàn cảnh khốn khổ nhất mới biết rêu quý giá đến nhường nào. Có lẽ cái thời chúng tôi chỉ ăn thực vật nên mới có nhiều người sống dai tới bây giờ”. Nói rồi bà nở nụ cười móm mém. Rời làng “ăn rêu”, chúng tôi quay trở về nhưng trong lòng vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp quay lại để lại được thưởng thức món ăn được xem như “đặc sản” của vùng đất này.
Trò chuyện với người viết, ông Hoàng Văn Thương, Trưởng thôn Trung cho biết: “Quẹ vốn là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây, thậm chí có thể ăn thay cơm. Chuyện làng chúng tôi có nhiều người già nhất huyện, nhất tỉnh là có thật, nhưng nói về chuyện ăn rêu có thể giúp sống thọ thì khoa học chưa thể lí giải được. Hiện tại do người dân phun thuốc thực vật, vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm nguồn nước nên rêu ngày càng ít dần đi. Hiện chính quyền thôn vẫn đang tuyên truyền quyết liệt để bảo vệ loài rêu và coi đó như là món ăn đặc trưng của vùng quê này”.
Theo Gia đình & Xã hội